Bàn giao trách nhiệm, bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di tích Công an nhân dân thuộc quần thể Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào
        Nhằm tạo điều kiện thống nhất các di tích thuộc lực lượng Công an nhân dân giao Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Công an nhân dân chủ động và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quản lý, tôn tạo và khai thác phát huy di tích; được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, sáng nay 14-01-2019, tại Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào đã diễn ra Hội nghị bàn giao trách nhiệm bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di tích thuộc lực lượng Công an nhân dân.

        Đến dự và chỉ đạo có đồng chí Đại tá Phạm Bá Hậu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị đồng chủ trì tổ chức bàn giao - tiếp nhận có đồng chí Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang và đồng chí Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công an có di tích: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ; Học viện An ninh nhân dân và các đơn vị chức năng liên quan thuộc Cục Công tác đảng và công tác chính trị; Công an tỉnh Tuyên Quang và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang.

 

<Đồng chí Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang và đồng chí Âu Thị Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang ký Biên bản bàn giao trách nhiệm bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di tích>


       Khu Di tích lịch sử Tân Trào là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, được công nhận theo quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn bộ quần thể di tích bao gồm 177 điểm di tích nằm trên địa bàn 11 xã thuộc 02 huyện Sơn Dương và Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trong đó 06 điểm di tích thuộc lực lượng Công an nhân dân gồm: di tích Nha Công an Trung ương (1947-1950) và sân bay Lũng Cò hiện đang thuộc Khu di tích lịch sử Công an nhân dân và 04 điểm di tích khác được tổ chức bàn giao - tiếp nhận trách nhiệm bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị, gồm:

1. Di tích Bộ Công an, tại thôn Đồng Min, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương; là nơi Bộ Công an đóng trụ sở làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ đầu năm 1953 đến tháng 8-1954.

2. Di tích Đơn vị MATH - tiền thân lực lượng Trinh sát kỹ thuật Công an nhân dân (nay là Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an), tại thôn Đung, xã Công Đa, huyện Yên Sơn; là địa điểm đóng quân, làm việc của đơn vị thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ đầu tháng 5 đến 8-1954.

3. Di tích Trường Công an Trung cấp (nay là Học viện An ninh nhân dân, tại thôn Tân Thái, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương; là nơi đào tạo Công an Trung cấp khóa VII (khóa Tổng phản công) thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ tháng 02-1953 đến tháng 10-1950.

        4. Di tích Tiểu đoàn 600 (nay thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ công an), tại thôn Nà Đỏng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn; là nơi Tiểu đoàn bộ và các đồng chí Ban Chỉ huy Tiểu đoàn cùng các Tiểu đội ở, làm việc và chỉ huy các đơn vị trực thuộc bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và cơ quan Giao tế thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ đầu tháng 5-1953 đến tháng 8-1954.


<Các đồng chí lãnh đạo chứng kiến đại diện Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Công an nhân dân và Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào ký Biên bản bàn giao hồ sơ di tích>

Sau khi tiến hành ký kết các biên bản bàn giao hiện trạng và hồ sơ di tích; trách nhiệm bảo vệ, quản lý và khai thác phát huy giá trị, các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị và đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu đều khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của các di tích được bàn giao.


(Đồng chí Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên; Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị)

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ công an, đồng chí Đại tá Phạm Bá Hậu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị phát biểu thể hiện sự trân trọng và cảm ơn các đơn vị chức năng ngành di sản văn hóa tỉnh Tuyên Quang; các cấp chính quyền và nhân dân nơi có các di tích Công an nhân dân trên địa bàn đã quan tâm phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các đơn vị chức năng liên quan tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới. Đồng chí ghi nhận, biểu dương sự chủ động, nỗ lực của các đơn vị chức năng ngành Công an, đặc biệt là Phòng Tuyên truyền, giáo dục và Bảo tàng Công an nhân dân; Ban Quan lý Khu Di tích lịch sử Công an nhân dân; yêu cầu các đơn vị phối hợp tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, hiện trạng và tiếp tục tổ chức quản lý, phát huy hơn nữa các điểm di tích được bàn giao. Đồng chí cũng nhấn mạnh đề nghị đối với các đơn vị thuộc Bộ Công an có liên quan đến các di tích cần phối hợp trong công tác tu bổ, bảo quản và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đoàn viên thanh niên tham quan, về nguồn nhằm tuyên tuyền, giới thiệu phát huy giá trị di tích, góp phần bảo tồn di sản văn hóa Công an nhân dân - một bộ phận quan trọng hợp thành di sản văn hóa dân tộc.


(Đồng chí Đại tá Phạm Bá Hậu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị)

Kết thúc Hội nghị, để ghi dấu sự kiện quan trọng này, thay mặt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Âu Thị Mai, Phó Giám đốc Sở đã trao tặng Cục Công tác đảng và công tác chính trị bức tranh “Cây đa Tân Trào” - một trong những biểu tượng của di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.
 

 

<Bài: Thanh Hoa, Ảnh: Thành Chung - Bảo tàng CAND>