Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong cuộc đấu tranh chống gián điệp biệt kích năm 1961 - 1973
       Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, Nhà nước đã có hơn 30 năm tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 20 năm tham gia Quốc hội, 28 năm là Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí đã có những cống hiến xứng đáng góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đặc biệt đối với ngành Công an, đồng chí là vị Bộ trưởng đầu tiên, luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng và Bác Hồ để chỉ đạo xây dựng lực lượng CAND thật sự là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Là người lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn chiến lược, đồng chí là người đặt nền móng cho lý luận, nghiệp vụ và công tác xây dựng Công an nhân dân, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

        Một trong những đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là đã vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nên hệ thống quan điểm tư tưởng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc của lực lượng Công an nhân dân; được thể hiện rõ nét qua công tác chỉ đạo lực lượng Công an đánh bại cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích của đế quốc Mỹ ra miền Bắc giai đoạn 1961 - 1973.

       Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ đã tập trung mọi nguồn lực, đầu tư tối đa tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh để tiến hành cuộc “Chiến tranh gián điệp biệt kích”. Suốt những năm từ 1961 - 1973, từ các trung tâm huấn luyện như Long Thành - Biên Hòa, Mỹ Khê - Đà Nẵng, Khăm Khao - Lào…Mỹ - Ngụy tung nhiều toán gián điệp biệt kích ra miền Bắc nhằm phá hoại công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Trưởng Trần Quốc Hoàn, lực lượng Công an làm nòng cốt cùng với Nhân dân đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng, chung sức chung lòng tổ chức phòng chống hiệu quả, đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch thâm độc của kẻ thù, góp thêm nhiều chiến công vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

       Từ toán 2 toán gián điệp biệt kích Mỹ - Ngụy đầu tiên nhảy dù xuống Châu Phù Yên, tỉnh Sơn La đêm 27/5/1961, ta đã lập chuyên án PY27; Và toán gián điệp biệt kích xâm nhập bằng đường biển vào tỉnh Hồng Quảng (nay thuộc Quảng Ninh) ngày 9/4/1961 ta đã lập chuyên án BK63. Với chiến thuật “Dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch”, nâng tầm thành “Trò chơi nghiệp vụ” buộc trung tâm chỉ huy địch hoạt động theo sự sắp đặt của ta. Từ hai chuyên án đầu tiên PY27, BK63 lực lượng Công an từ năm 1962 - 1973 đã tiến hành 33 chuyên án, bắt diệt 166 toán gián điệp, biệt kích với hơn 1.000 tên thu hàng trăm tấn vũ khí và phương tiện hoạt động của chúng.

       Để đánh thắng âm mưu thâm độc của kẻ thù, thực hiện Nghị quyết 39/NQ/TW ngày 20/1/1962 của Bộ Chính trị về đấu tranh chống phản Cách mạng, Nghị quyết đã xác định: “Đường lối đấu tranh là: Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, phát huy tính tích cực của quần chúng với nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn; Phương châm của cuộc đấu tranh là: kiên quyết và thận trọng”. Về nghiệp vụ Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng với các đồng chí Đảng Đoàn lãnh đạo Bộ Công an xác định 3 nguyên tắc: “Tiến hành đấu tranh với tinh thần khẩn trương, mau lẹ; Lực lượng quần chúng tại chỗ là lực lượng quan trọng nhất; Nhất thiết phải do cấp ủy Đảng lãnh đạo”.

       Bên cạnh phát động các phong trào “Bảo mật phòng gian” “Bảo vệ trị an” trong quần chúng Nhân dân; lực lượng Công an đã xây dựng thế trận “Thiên la, địa võng”, thực hiện phương châm “giữ bên trong là chính, giữ bên dưới là chính”.

 

<Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thăm, nói chuyện với Nhân dân xã Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình - đơn vị có phong trào bảo vệ trị an tốt, năm 1970
>

       Qua việc xây dựng thế trận an ninh toàn dân, nhằm tuyên truyền giáo dục trong Nhân dân về ý thức cảnh giác cách mạng, hướng dẫn cho người dân các phương án phòng chống, phát hiện và phối hợp tổ chức truy lùng bắt gián điệp biệt kích ở những điều kiện địa hình khác nhau từ đồng bằng đến miền núi, từ người già đến trẻ em… Vì vậy, nhiều toán gián điệp đã bị bắt ngay khi vừa tiếp đất. S.T. Tourrison - Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, cựu điệp viên CIA trong cuốn “Đội quân bí mật và cuộc chiến tranh bí mật” đã thú nhận rằng “Hình như những điệp viên của chúng ta đã bị đón lõng trước khi tung vào miền Bắc... Họ luôn được những người trên đất liền "chờ đón"... Hà Nội còn trên tài cả CIA vì họ đã biết trước kế hoạch hành động của CIA”.
 

<Cụ Giàng Xay Xua, 82 tuổi, người dân tộc Mèo, kể chuyện phát hiện, truy bắt gián điệp biệt kích xâm nhập Lai Châu, năm 1970>


<Lực lượng Công an giám sát nhân viên điện đài của toán gián điệp biệt kích liên lạc về Trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn theo mệnh lệnh của Ban chuyên án
>

       Chiến công trong đấu tranh phòng chống gián điệp biệt kích thể hiện sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn của Đảng, của Bộ Công an, đặc biệt là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã vận dụng sáng tạo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “…Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. (Trích Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với học viên lớp Trung cấp khóa 2, Trường Công an Trung cấp, năm 1951), đã thật sự tin tưởng và dựa vào Nhân dân, đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an mưu trí, sáng tạo trong sử dụng chiến thuật “Dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch”, đã thắng lợi hoàn toàn trong đấu tranh chống gián điệp biệt kích.

       Những quan điểm, tư tưởng, phương châm, đối sách chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến nay còn nguyên giá trị trên các lĩnh vực Công an, để lực lượng CAND hôm nay tiếp tục nghiên cứu vận dụng vào học tập, công tác và chiến đấu. Nhớ đến Bộ trưởng đầu tiên của lực lượng CAND, chúng ta không thể quên câu nói đã trở thành mục tiêu hành động của lực lượng CAND qua các thời kỳ “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm niềm vui lẽ sống của mọi cán bộ chiến sĩ, lấy sự nghiệp của Đảng làm mục tiêu phấn đấu của toàn lực lượng”. Lực lượng Công an hôm nay đã và đang vì Nhân dân phục vụ dựa vào Nhân dân mà làm việc; nhiều mô hình sáng tạo trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phát huy vai trò sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

 

<Mô hình “Cánh cổng An ninh” ở huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã phát huy sức mạnh quần chúng tham gia phòng chống tội phạm, góp phần tích cực đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, năm 2016>
 
 
          <Bài Nam Phong, ảnh BTCAND>