Hoạt động nổi bật
Giờ mở cửa - Tham quan miễn phí
Từ 08h00 đến 16h30 từ thứ Ba đến thứ Bảy (hàng tuần)
Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Xem bản đồ
Đăng ký tham quan
Câu chuyện về những kỷ vật lịch sử của nữ Đại tá Cảnh vệ
       Trong tiết trời cuối thu Hà Nội bắt đầu se lạnh, Bảo tàng Công an nhân dân được đón một vị khách đặc biệt - nữ đại tá Cảnh vệ Công an nhân dân. Nhắc đến tên bà, đồng đội đều cảm phục về một tấm gương dũng cảm, tận tụy trong công việc, với nhiều chiến công trong quá trình công tác, đặc biệt khi bà là thành viên Đội Bảo vệ mít tinh hội nghị và khách quốc tế - Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).

       Bà là Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Đoàn, nguyên cán bộ Đội Bảo vệ mít tinh hội nghị và khách quốc tế - Cục Cảnh vệ; nguyên Phó Trưởng ban Phụ nữ Bộ Công an. Sinh năm 1945 tại thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội, ngày 18/12/1964 bà được tuyển vào lực lượng Cảnh vệ, Bộ Công an. Sau hơn 9 tháng đào tạo, huấn luyện tại trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân), bà được phân về công tác tại Cục Cảnh vệ 15 năm, rồi biệt phái sang ngành du lịch. Năm 1998 được điều động về công tác tại Bộ Công an và giữ chức Phó Trưởng ban Phụ nữ Bộ Công an cho đến tháng 4/2001 bà nghỉ hưu theo chế độ.

       Với ý nguyện giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ Công an, bà đã tặng lại những kỷ vật quý giá cho Bảo tàng Công an nhân dân và dành tặng chúng tôi sự trân quý thông qua những chia sẻ ân tình và những kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp của mình.

 

<Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Đoàn trao tặng bức ảnh Quốc trưởng Norodom Sihaonuk trao tặng Huân chương Hoàng gia cho nữ Cảnh vệ Bộ Công an Việt Nam>


<Hai chiếc băng tang chiến sĩ Cảnh vệ sử dụng trong những ngày tiễn đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu được đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Đoàn trao tặng cho Bảo tàng Công an nhân dân ngày 24/10/2018 - Ảnh Xuân Tuyên>

Là một chiến sỹ Cảnh vệ, bà cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với công tác Cảnh vệ là bảo vệ an toàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bảo vệ khách quốc tế; bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước... Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đơn vị nòng cốt trong trách nhiệm ấy thuộc về Đội 6 - Cục Cảnh vệ, nơi Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Đoàn đã công tác nhiều năm. Thời gian công tác tại đây có rất nhiều kỷ niệm, nhưng những kỷ niệm sâu sắc nhất đối với bà và các cán bộ Cảnh vệ đó là thường được gần với Bác, được nghe những lời chỉ bảo dạy dỗ của Bác. Bà cùng đồng đội được xem phim cùng Bác vào những tối thứ bảy, biểu diễn văn nghệ cho Bác xem vào những dịp 30 Tết hàng năm, trong đó bà là người dẫn chương trình trong buổi biểu diễn… Với bà cũng như đồng đội ở đơn vị bảo vệ, đó là những tình cảm hết sức gần gũi, thân thương mà Bác đã dành tặng, và những hình ảnh đó đã in đậm trong tâm khảm, tiếp thêm nghị lực của mỗi người trong hành trang sự nghiệp.


       Một kỷ niệm sâu sắc về cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Bà kể, vào mùa hè năm 1966 khi đó bà mới 21 tuổi, trong lúc đang đi công tác bảo vệ một đoàn khách ở xa đơn vị, nhận được tin từ phòng Nghiên cứu Tổng hợp báo: “Đồng chí Đoàn chuẩn bị về gặp Bộ trưởng”, vừa mừng vừa lo không biết Bộ trưởng gặp có vấn đề gì. Đến gặp Bộ trưởng tại ngôi nhà mà giờ đây Bảo tàng Công an nhân dân đã tu bổ tôn tạo và đón khách vào tham quan tại số 1 Trần Bình Trọng, với tình cảm thân mật và gần gũi. Sau ít phút hỏi thăm sức khỏe và tình hình, Bộ trưởng nói rõ về tính chất của đoàn khách này và sự quan tâm của Trung ương Đảng ta đối với khách. Bà cũng đã báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động của đoàn khách ở Việt Nam và công tác bảo vệ… Bộ trưởng đã động viên bà hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao lần này và trao cho bà một khẩu súng loại nhỏ. Sau cuộc gặp gỡ với cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, bà càng có quyết tâm cao hơn phấn đấu vượt mọi khó khăn gian khổ và nguy hiểm phối hợp cùng đồng nghiệp và anh chị em phục vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đoàn khách kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

       Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ cứu nước, bà được phân công bảo vệ tiếp cận các đoàn khách quốc tế như: Bảo vệ phu nhân Tổng thống Công- gô năm 1967, bảo vệ bà Trưởng đoàn liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới, bảo vệ Trưởng đoàn phụ nữ Liên Xô cũ, bảo vệ phu nhân Quốc trưởng Norodom Sihanouk và Hoàng Gia Camphuchia sang thăm, ăn tết cổ truyền ở Việt Nam. Đặc biệt đáng nhớ nhất là thời gian bảo vệ và tiếp cận đồng chí Alica-Zanizet, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Venezuena làm Trưởng đoàn sang thăm và học tập kinh nghiệm đường lối đấu tranh nhân dân của Đảng, học tập chiến thuật chiến tranh du kích của quân và dân Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Ngọc Đoàn lúc đó là nữ chiến sỹ Cảnh vệ được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận bà Trưởng đoàn, trong một lần đoàn đi thăm Quảng Ninh vào đêm 18/4/1966, không may gặp phải máy bay địch khi đoàn cách nhà máy điện Uông Bí chừng 400m, thuộc Quốc lộ 18 thì phải dừng lại, máy bay địch sà tới gầm rít như muốn xé tan cả màn trời đêm, bà ra lệnh cho mọi người nằm xuống, còn mình ngay lập tức nằm úp lên lưng, ôm kín người để bảo vệ cho đồng chí Alica-Zanizet. Sau hành động xả thân bảo vệ đồng chí Alica-Zanizet cũng như các đồng chí trong đoàn Venezuala rất cảm động, càng tin tưởng và khâm phục tinh thần tận tụy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khách của người chiến sỹ Cảnh vệ Nguyễn Thị Ngọc Đoàn nói riêng và cán bộ chiến sỹ Cảnh vệ Việt Nam nói chung. Với chiến công này bà đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bộ Công an thăng cấp hàm trước niên hạn từ Hạ sỹ lên Trung sỹ và được Chi bộ đưa vào đối tượng kết nạp Đảng…
 

<Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ Bảo tàng Công an nhân dân tại lễ tiếp nhận kỷ vật ngày 24/10/2018 - Ảnh Xuân Tuyên>

       Những kỷ niệm sâu sắc mà Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Đoàn kể lại đã để lại trong chúng tôi, những người làm công tác bảo tàng không khỏi xúc động và khâm phục về tấm gương anh dũng không sợ nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Những kỷ vật bà hiến tặng Bảo tàng Công an nhân dân hôm nay sẽ đóng góp vào nguồn hiện vật vô cùng ý nghĩa, phản ánh những cống hiến của lực lượng Cảnh vệ nói riêng, Công an nhân dân nói chung trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ, vì An ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân./.

 
<Thanh Hoa - Bảo tàng CAND>

bài viết khác