Hoạt động nổi bật
Giờ mở cửa - Tham quan miễn phí
Từ 08h00 đến 16h30 từ thứ Ba đến thứ Bảy (hàng tuần)
Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Xem bản đồ
Đăng ký tham quan
Chuyện về người mang biệt danh “Cọp đen Hòa Bình”
       Gần trọn cuộc đời gắn bó với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự; trải qua nhiều cương vị, địa bàn công tác khác nhau, từ khi còn là một chiến sĩ, cán bộ chỉ huy Công an huyện Hòa Bình, cho đến khi là người đứng đầu Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Bạc Liêu, Đại tá Dương Tứ Phương luôn là nỗi khiếp sợ đối với tội phạm trên địa bàn. Chính vì vậy mà giới giang hồ đặt cho anh biệt danh “Cọp đen Hòa Bình”…
 

       1. Là đơn vị đi đầu trong công tác điều tra, phòng chống tội phạm hình sự, Phòng CSHS Công an tỉnh Bạc Liêu những năm gần đây lập được rất nhiều chiến công trong công tác. Đặc biệt, nhờ vào sự tận tụy, nhiệt huyết và tình yêu nghề, các cán bộ chiến sĩ (CBCS) Phòng CSHS đã củng cố, tạo nên sự tin yêu tuyệt đối từ nhân dân.      

       Trong đó, Đại tá Dương Tứ Phương - Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Bạc Liêu chính là tấm gương điển hình. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, Dương Tứ Phương là con liệt sĩ, là cháu Mẹ Việt Nam Anh hùng. 

       Tiếp xúc với anh, ấn tượng đầu tiên với tôi chính là sự giản dị, cương trực và quyết đoán thể hiện ngay rõ trên gương mặt anh. Điều khiến người khác mến phục không chỉ vì những chiến công anh đã lập được, mà còn là sự chất phác trong từng câu chuyện của mình.


Đại tá Dương Tứ Phương - Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Bạc Liêu,
với biệt danh “Cọp đen Hòa Bình”

 

       Hầu hết mọi người khoác trên người quân phục CSND là vì đam mê. Nhưng với Đại tá Dương Tứ Phương lại khác. Cơ duyên mà người đứng đầu Phòng CSHS Công an tỉnh đến với lực lượng Công an cũng rất tình cờ. Đại tá Dương Tứ Phương, kể: “Học xong phổ thông, tôi đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. 

       Lúc đến Huyện đội, sau khi kiểm tra hồ sơ, đồng chí Huyện đội trưởng kiên quyết: Trường hợp này không được đi nghĩa vụ quân sự vì là con một, gia đình chính sách (có ông nội, hai người bác và cha là liệt sĩ – PV) có nhiều người hy sinh rồi. Thế là tôi được các chú đưa sang lực lượng Công an và công tác cho đến giờ”…

       Trải qua nhiều vị trí công tác, đến nay, Đại tá Dương Tứ Phương chính là tấm gương cho đồng đội và thế hệ đàn em noi theo. Hàng trăm vụ án lớn nhỏ được giải mã thành công, là những dấu son điểm tô trong sự nghiệp của người lính hình sự. Mỗi vụ án khép lại, anh đều rút ra những bài học đắt giá. 

       Năm 2010, từ vị trí Phó trưởng Công an huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), Đại tá Dương Tứ Phương được điều chuyển về Phòng CSHS Công an Bạc Liêu. Từ thời điểm này, hàng loạt chuyên án được mở, thực hiện thành công, gây tiếng vang lớn. Có thể điển hình như chuyên án thầu đề với 34 đối tượng bị đưa ra truy tố, xét xử với số tiền đánh bạc lớn nhất các tỉnh, thành ĐBSCL.

       Tiếp nối thành công này, hàng loạt chuyên án khác được mở ra, như: Chuyên án đấu tranh với tội phạm môi giới mại dâm, chứa mại dâm; chuyên án đấu tranh với tội phạm trộm đường sông; chuyên án đấu tranh với tội phạm trộm đột nhập; chuyên án đấu tranh với tội phạm giết người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, cưỡng đoạt tài sản, bảo kê, đòi nợ thuê… gây xôn xao dư luận. Nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến chiến công triệt phá bắt “siêu trộm” Nguyễn Văn Kỳ (ngụ tỉnh An Giang) cùng đồng bọn.

       Đại tá Dương Tứ Phương, nhớ lại: “Từ đầu năm 2013 đến 3-2014, tại các tỉnh, thành ĐBSCL xảy ra hàng trăm vụ trộm xe máy. Riêng tại Bạc Liêu, qua báo mất của người dân cho thấy có khoảng 100 xe máy các loại bị mất trộm. 

       Quyết tâm triệt xóa băng “siêu trộm” này, tháng 3-2014, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu quyết định thành lập Ban chuyên án trộm xe mô tô và được chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Công an. Qua sàng lọc, trinh sát phát hiện Kỳ có nhiều dấu hiệu khả nghi. Đối tượng này từ An Giang qua Bạc Liêu thuê cùng lúc nhiều nhà trọ dọc theo tuyến QL1A thuộc địa bàn huyện Vĩnh Lợi và TP.Bạc Liêu vừa để ở, vừa trốn tránh Công an và là nơi cất giấu xe máy trộm được.



Trên sông Bạc Liêu .Ảnh: Ngọc Anh

       Đáng chú ý, cơ quan Công an còn phát hiện Kỳ có đến 4 lệnh truy nã của Công an TP Hồ Chí Minh, Công an các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Kiên Giang về tội trộm cắp tài sản. Ngoài ra, Kỳ còn có 1 tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chưa xóa án tích. Tuy nhiên, theo Đại tá Dương Phương, việc điều tra, truy bắt Kỳ gặp rất nhiều khó khăn vì đối tượng này cực kỳ ranh ma, xảo quyệt, có nhiều “kinh nghiệm” sống ngoài vòng pháp luật.

       Tối 6-3-2014, Kỳ chở đàn em là Nguyễn Văn Hải (ngụ Tây Ninh) bằng xe máy chạy trên đường Châu Văn Đặng (TP Bạc Liêu) thì phát hiện một xe Honda Dream đang để trước cửa nhà số 16. Nhanh như chớp, Hải nhảy xuống dùng đoản phá khóa lấy xe tẩu thoát. Đến 12h ngày 7-3-2014, Kỳ cùng đàn em chạy chiếc xe vừa trộm được đến xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) để chuẩn bị vận chuyển đi An Giang tiêu thụ thì bị các trinh sát bắt gọn.

       Sau đó, hàng loạt đàn em của Kỳ, chân rết trong băng “siêu trộm” này cũng sa lưới… Kết thúc chuyên án, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt, khởi tố gần 100 đối tượng, điều tra làm rõ trên 500 vụ trộm xe môtô, thực hiện trót lọt với trên 3.000 chiếc xe trên 18 tỉnh, thành…

       2. Để có những “Quả đấm thép” vào các băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm như trên, trong chỉ đạo chuyên án đòi hỏi người chỉ huy phải linh hoạt trong mọi tình huống để có kế hoạch cho sát, bố trí lực lượng cho phù hợp. Đại tá Dương Tứ Phương, cho biết: “Việc bố trí lực lượng có hai vấn đề. Một là chọn người cân xứng với nhiệm vụ được giao. Thứ hai, người được chọn phải có bản lĩnh vững vàng để không lọt, lộ thông tin, không để đối tượng tẩu thoát”. Để chọn được người, người chỉ huy phải hiểu tâm lý của từng CBCS.

       Bản thân anh còn là tấm gương về tinh thần chịu khó, ham học hỏi, sống hết mình vì đồng đội, luôn được anh, em trong đơn vị tin yêu. Ngoài việc đem lại sự yên bình cho xã hội, anh còn tạo điều kiện thuận lợi để CBCS trong đơn vị trưởng thành. “Để anh em tin tưởng, trước hết bản thân phải gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, tạo được sự đoàn kết thống nhất và sự đồng tình ủng hộ trong đơn vị…”, Đại tá Dương Tứ Phương, chia sẻ.

       Khi được hỏi, vì sao anh có biệt danh “Cọp đen Hòa Bình”? Đại tá Dương Tứ Phương vui vẻ cho biết: “Biệt danh này xuất hiện khi tôi làm Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Hòa Bình. Vào thời điểm đó, trên địa bàn huyện nổi lên một số đối tượng giang hồ cộm cán, cho vay nặng lãi, gây rối trật tự công cộng… làm ảnh hưởng đến ANTT địa phương. 

       Ban Chỉ huy Công an huyện yêu cầu Đội CSHS bằng mọi giá phải triệt phá các đối tượng này. Với quyết tâm làm trong sạch địa bàn, tôi cùng anh em lên kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ để lần lượt xử lý các đối tượng này. Hầu hết các vụ án lúc đó tôi đều trực tiếp tham gia. 

       Do da tôi đen, nên giới giang hồ khi nhắc đến tôi liền đặt cho biệt danh “Cọp đen Hòa Bình” là vậy. Không những thế, sau khi bị bắt, các đối tượng đều tự nguyện khai báo thành khẩn. Bọn chúng còn rỉ tai nhau, phải khai cho nhanh, cho đúng… chứ không để ông “Cọp đen” xuống “bắt thóp” là không xong đâu. Sau này, khi nhắc đến biệt danh của tôi là bọn tội phạm “bị dội” không dám manh động”.

       Quá trình đấu tranh với tội phạm hình sự, anh phải chịu nhiều áp lực từ sự mua chuộc, hối lộ của kẻ xấu, thậm chí đe dọa đến sự an toàn của bản thân và gia đình. Nhiều lần anh đối mặt với những tên tội phạm lì lợm theo kiểu “4 không” (không nghe, không thấy, không biết, không tham gia); hay có những đối tượng, anh trực tiếp vào phòng hỏi cung đấu tranh 4 ngày liên tục từ sáng đến đêm đối tượng mới chịu khai nhận. 

       Nhưng dù khó khăn, gian khổ đến mấy anh cũng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ… Và ít ai biết rằng, “cơ ngơi” của người đứng đầu Phòng CSHS Công an tỉnh là căn nhà cấp 4 ở huyện Hòa Bình, được tu sửa trên chính ngôi nhà tình nghĩa mà Nhà nước xây tặng theo chế độ gia đình chính sách cách đây nhiều năm…

       Với thành tích đạt được, 5 năm liền (từ 2013 đến 2017), Đại tá Dương Tứ Phương được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2015 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng. Được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh, Tổng cục Cảnh sát… tặng nhiều bằng khen, giấy khen đột xuất; 6 lần được UBND tỉnh Bạc Liêu tuyên dương về thành tích xuất sắc trong công tác.


<Theo cand.com.vn>