Giờ mở cửa - Tham quan miễn phí
Từ 08h00 đến 16h30 từ thứ Ba đến thứ Bảy (hàng tuần)
Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Xem bản đồ
Đăng ký tham quan
Cuốn sách "Cách làm việc của một của một cấp ủy"của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
          Đồng chí Trần Quốc Hoàn (1916 - 1986), tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916 trong một gia đình dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - vùng đất đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa.
        Với 70 tuổi đời, 52 tuổi Đảng, 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 28 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí với cách mạng, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân Công hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương khác. Ngày 31/7/2015, Bộ Chính trị đã quyết định công nhận đồng chí Trần Quốc Hoàn là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng.
          Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đồng chí Trần Quốc Hoàn đã ba lần làm Bí thư Thành ủy Hà Nội: Giai đoạn Bí thư Thành ủy lần thứ nhất (1937 - 1940); Giai đoạn Bí thư Thành ủy lần thứ hai (1949 - 1952); Giai đoạn Bí thư Thành ủy lần thứ ba, đồng chí giữ cương vị là Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô (1954). Giai đoạn 1949 - 1952, khi làm Bí thư Khu ủy Đặc khu Hà Nội, đồng chí đã cùng với Đặc Khu ủy nghiên cứu tình hình, xây dựng kế hoạch chuẩn bị chiến trường Thủ đô về quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội; trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu ở thủ đô Hà Nội. Cũng trong thời gian làm Bí thư Đặc Khu ủy Hà Nội, đồng chí rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, nâng cao trình độ cán bộ về chính trị, tư tưởng, phương pháp công tác. Nhiều lớp huấn luyện, hội nghị học tập dưới nhiều hình thức được tổ chức trong Đảng bộ. Cũng trong thời gian này đồng chí viết cuốn sách “Cách làm việc của một cấp ủy” và trực tiếp trình bày nội dung cuốn sách trong lớp tập huấn của cán bộ Hà Nội. Cuốn sách đã được phát hành rộng rãi làm tài liệu học tập, nghiên cứu trong toàn Đảng bộ Hà Nội. 
 
          
        Năm 1974, được sự đồng ý của đồng chí Trần Quốc Hoàn Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Công an đã in lại cuốn “Cách làm việc của một cấp ủy” để các cấp ủy Đảng và các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí phụ trách công tác đảng trong Công an nhân dân nghiên cứu tham khảo và vận dụng vào công tác nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, của Ngành.
           Cuốn sách gồm ba phần:
          Phần thứ nhất: Sự thành lập cấp ủy, nhiệm vụ, quyền hạn. Nội dung phần này giới thiệu cấp ủy là gì, thành lập cấp ủy như thế nào, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Chấp hành…; là phần hệ thống lại các nguyên tắc quan trọng.
         Phần thứ hai: Cách làm việc; nguyên tắc làm việc. Trong phần thứ hai cuốn sách nêu rõ cách thức tổ chức công việc; sự phân công trong cấp ủy; cách tổ chức một cuộc họp; cách làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, cách làm việc của Bí thư…. Đặc biệt, nội dung bàn về cách làm việc của cấp ủy, cuốn sách đưa ra những khuyết điểm hay mắc phải và định hướng nên làm như thế nào để đảm bảo nguyên tắc và hiệu quả. Trong phần này cũng hướng dẫn cách đặt chương trình, kế hoạch và thực hiện chương trình, kiểm tra, đôn đốc kế hoạch như thế nào…
          Phần thứ ba: Cách chỉ đạo phong trào. Nội dung phần thứ ba của cuốn sách chỉ ra cách chỉ đạo phong trào nằm trong cách làm việc của cấp ủy, tuy nhiên có tách riêng ra để nêu bật và sáng tỏ hơn. Tại đây, cuốn sách nêu quan niệm chỉ đạo, những quan niệm sai lầm về sự chỉ đạo của cấp ủy, cách điều khiển bộ máy: từ điều khiển văn phòng, ban chuyên môn, cách điều khiển đảng đoàn và các đồng chí phụ trách các ngành chuyên môn… Đối với nhiệm vụ xây dựng phong trào, trong phần này nội dung giới thiệu cách tìm hiểu và nắm chắc phong trào, cách đẩy mạnh phong trào, cách giữ phong trào…
          Cuốn sách ngoài ba phần chính còn có thêm phần phụ lục giới thiệu hai vấn đề: cách ra chỉ thị và cách làm báo cáo.
          Cuốn sách là sự thâu tóm những kinh nghiệm cụ thể xắp sếp lại thành hệ thống và đưa ra kinh nghiệm, là tài liệu giúp cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ huy chỉ đạo về cách làm: đúng nguyên tắc, đúng nhiệm vụ và bớt thủ công. Cuốn sách đã trở thành một trong những cuốn cẩm nang của mỗi đảng bộ; góp phần bồi dưỡng cho Đảng những Đảng bộ vững mạnh cùng nhiều đảng viên xuất sắc…
          Cuốn sách “Cách làm việc của một cấp ủy” là minh chứng sống động góp phần khẳng định cống hiến, đóng góp của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đối với sự nghiệp của Đảng và lực lượng Công an nhân dân. Là tài liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục nghiên cứu di sản quý báu của đồng chí để bổ sung, phát triển trong hoàn cảnh, điều kiện mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Cuốn sách hiện nay đang được lưu giữ tại Di tích nhà lưu niệm nơi ở và làm việc của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từ năm 1967 - 1981 tại Số 1 Trần Bình Trọng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
 

<Cuốn sách được lưu giữ tại Di tích lưu niệm trên bàn làm việc của đồng chí Trần Quốc Hoàn>



<Di tích nhà lưu niệm nơi ở và làm việc của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
tại Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội>
                                                              
                                                                           <Bài và ảnh Nam Phong - Bảo tàng Công an nhân dân>
bài viết khác