Đồng chí Trần Quốc Hoàn với quê hương, gia đình và bạn bè
       Đồng chí Trần Quốc Hoàn, người anh cả của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. 28 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông đã đưa lực lượng Công an từng bước lớn mạnh, trưởng thành, xứng đáng là lực lượng vũ trang tin cậy, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhân dân. Hơn thế nữa, đồng chí Trần Quốc Hoàn còn là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, không chỉ trong công tác, chiến đấu mà trong cả cuộc sống đời thường. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã đi xa, song những ký ức về ông vẫn còn nguyên vẹn trong lòng những người thân, bạn bè, những người đã từng may mắn tiếp xúc hay trải qua những năm tháng được sống, học tập và sát cánh chiến đấu bên ông.


<Chân dung đồng chí Trần Quốc Hoàn (1916 - 1986), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Bảo tàng CAND>

       Người con của mảnh đất giàu truyền thống anh hùng
     Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Ân mất sớm. Cụ Nguyễn Trọng Cẩn, cha của ông cần cù lao động nuôi ông cũng ba người em trai ăn học với mong mỏi các con khôn lớn trở thành người có ích cho dân, cho nước. Sinh ra trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của hai danh nhân văn hóa thế giới: đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại xuất thân hai dòng họ nội ngoại đều nổi tiếng với truyền thống hiếu học đã góp phần hình thành nên những phẩm chất cao đẹp trong con người Trần Quốc Hoàn. Những năm tháng niên thiếu của ông chứng kiến cảnh nhân dân bị áp bức dưới gót giày của thực dân đế quốc, mảnh đất Nghệ An sục sôi chí khí cách mạng, tất cả những yếu tố từ truyền thống của quê hương, gia đình đã góp phần hình thành nên những phẩm chất cao đẹp và thôi thúc Trần Quốc Hoàn tham gia cách mạng từ rất sớm.

 

<Đồng chí Trần Quốc Hoàn lúc còn nhỏ (người ngồi bên phải) cùng cha và ba em trai, năm 1928. Ảnh Bảo tàng CAND>

        Người chồng, người cha mẫu mực
       Phu nhân của đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Trần Thị Lộc. Ông bà gặp gỡ khi bà đang tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc và được đồng đội giới thiệu với Xứ ủy Bắc kỳ đảm nhận công tác điệp báo. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, khi đó là Bí thư Xứ ủy cùng Nha Công an Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ cho bà thâm nhập vào tổ chức phản động của Nguyễn Hải Thần, thu thập tin tức phục vụ chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng trong những ngày đầu mới thành lập chính quyền non trẻ. Cái tên Lê Song Toàn cũng chính là tên đồng chí Trần Quốc Hoàn đặt cho bà. Những ngày làm công tác điệp báo, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, chính sự động viên khích lệ và hết lòng giúp đỡ của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã khiến tình cảm của hai người nảy nở. Ông bà kết hôn cũng đúng vào thời điểm cả dân tộc bước chân vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, bà cùng ông rút khỏi Hà Nội để chỉ đạo cuộc đấu tranh.

 

<Đồng chí Trần Quốc Hoàn và phu nhân Lê Song Toàn tại chiến khu Việt Bắc, năm 1952. Ảnh: Bảo tàng CAND>


<Đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng phu nhân Lê Song Toàn và ba con Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Minh Lợi, Nguyễn Trọng Vinh Quang chụp ảnh lưu niệm tại số 1, phố Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhân dịp Quốc khánh 02/9/1955. Ảnh: Bảo tàng CAND>

      Đồng chí Trần Quốc Hoàn và phu nhân sinh được ba người con, đặt tên là Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Minh Lợi và Nguyễn Trọng Vinh Quang. Khi ghép tên cả gia đình sẽ thành: Hoàn - Toàn - Thắng - Lợi - Vinh Quang. Đó cũng là cách ông bà gửi gắm sự lạc quan, niềm tin vào ngày chiến thắng của toàn dân tộc. Đến dự khai mạc triển lãm Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của đồng chí Trần Quốc Hoàn tại Bảo tàng CAND, Đại tá Nguyễn Minh Lợi, nguyên Phó Cục trưởng, Tổng cục V, Bộ Công an, cũng là con gái thứ hai của ông chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, ba chị em đã được bố quan tâm, dạy dỗ phải biết yêu lao động, sống tự lập, khiêm tốn và giản dị, hòa đồng với mọi người. Chính vì vậy, chúng tôi đều ý thức được điều đó trong suy nghĩ, trong từng hành động của mình sau này”.




<Đại tá Nguyễn Minh Lợi - là con gái thứ hai của đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng những người thân trong gia đình chia sẻ kỷ niệm về người cha, người ông thân yêu ngay tại Di tích lưu niệm nhà ở, làm việc của đồng chí Trần Quốc Hoàn từ năm 1967 – 1981. Ảnh Như Ý>

        Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hết lòng vì đồng chí đồng đội
       Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, hình ảnh người chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt đời tận tụy trong công việc, một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng với tác phong giản dị, khiêm tốn; lối sống liêm khiết, mẫu mực và tinh thần thân ái, chân thành đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng những đồng đội đã từng công tác và chiến đấu bên ông.



<Đồng chí Trần Quốc Hoàn và phu nhân tiếp đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam tại Hà Nội, ngày 04/3/1974. Ảnh Bảo tàng CAND>

      Đồng chí Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, người từng là thư ký của đồng chí Trần Quốc Hoàn thời kỳ là Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội kể về ông:  “Đối với lớp trẻ chúng tôi lúc đó, anh Hoàn thật sự là tấm gương, hơn thế nữa là thần tượng, cả về phong cách sống, làm việc và học tập... Chính sự dìu dắt của anh Hoàn khi tôi chập chững trong hoạt động cách mạng đã tạo cơ sở cho bước phát triển tiếp theo của tôi cả về phẩm chất và năng lực, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu, biên tập phục vụ sự lãnh đạo của Đảng”.
 


<Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Đặc Khu ủy Hà Nội nghe đồng chí Trần Đức Nguyên, thư ký báo cáo công tác, năm 1950. Ảnh Bảo tàng CAND>

      Đặc biệt, trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Quốc Hoàn từng hai lần bị thực dân Pháp bắt giam. Lần thứ nhất vào cuối năm 1934, đồng chí bị kết án 8 tháng tù và 5 năm biệt xứ; lần thứ hai vào cuối năm 1940, bị kết án 6 năm tù, 20 năm quản thúc và bị đày đến nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Chi bộ Nhà tù. Nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, người từng trải qua những năm tháng lao tù cùng đồng chí Trần Quốc Hoàn đã viết: “Anh Hoàn vượt qua thử thách và rất kiên cường, tỉnh táo. Trong thời gian bị giam ở Hà Nội, anh hoạt động không mệt mỏi, gần gũi với mọi người, cùng với các đồng chí khác vững dạ, trung thành, an ủi và giúp đỡ những người yếu đuối. Gần như mọi lúc anh ở bên cạnh người này hoặc người khác”.

      Đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng những người đồng đội trung kiên đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, vừa làm kinh tế, vừa nắm tình hình địch, tập hợp, vận động quần chúng, vận động binh lính địch, bảo vệ nội bộ, chống nội gián, chống âm mưu gây chia rẽ của địch và tổ chức các lớp huấn luyện về chính trị, quân sự; tổ chức sinh hoạt văn nghệ, vui chơi, giải trí để giữ vững tinh thần, chí khí của người cộng sản. Với cương vị Bí thư Chi bộ Nhà tù, đồng chí luôn đi sâu, đi sát thực tế; đảm bảo nguyên tắc tổ chức kỷ luật chặt chẽ song vẫn giữ nếp sống giản dị, hòa đồng, luôn quan tâm đến đời sống của anh em. Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tham gia cùng Chi bộ lãnh đạo anh em tù chính trị thuyết phục buộc bọn cai ngục Pháp và tay sai phải trả tự do, tổ chức đưa hơn 200 người về xuôi an toàn, kịp thời cung cấp nguồn cán bộ góp phần lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thành công.

      Tình yêu với quê hương
      Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từng về làm việc với Công an tỉnh Nghệ Tĩnh, Công an tỉnh Nghệ An 5 lần. Nhân dân Nghệ An nhớ về ông với hình ảnh một vị Bộ trưởng có phong thái dân dã, gần gũi, trọng nghĩa, trọng tình. Ông động viên cán bộ, nhân dân nỗ lực xây dựng Nghệ Tĩnh thành một tỉnh khá nhất miền Bắc, xứng đáng với truyền thống quê hương của Bác Hồ; của phong trào Xô-viết anh hùng; nhắc nhở lãnh đạo tỉnh quan tâm tới công tác bảo vệ an ninh, trật tự, đối phó với âm mưu gián điệp của đế quốc Mỹ, đồng thời tập trung làm thất bại âm mưu của bọn phản động lợi dụng tôn giáo. Công an tỉnh phải phấn đấu để xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, của Nhân dân.

 

<Đồng chí Trần Quốc Hoàn thăm, làm việc với Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An, tháng 12/1971. Ảnh Bảo tàng CAND>

Cuộc đời đồng chí Trần Quốc Hoàn với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc mãi trở thành niềm tự hào của lực lượng Công an nhân dân. Nhắc đến đồng chí Trần Quốc Hoàn là nhắc đến không chỉ một nhà lãnh đạo với tư duy nhạy bén, sắc sảo; một tài năng, trí tuệ xuất chúng mà còn là một tấm gương về đạo đức cách mạng với những phẩm chất mẫu mực sáng ngời được tôi rèn từ trong gian nan thử thách. Những ký ức đẹp về đồng chí Trần Quốc Hoàn sống mãi trong lòng gia đình, đồng chí, bạn bè thân thiết, những người con của quê hương Nghệ Tĩnh anh hùng.
 

 

<Bài: Thu Trà; ảnh: Bảo tàng Công an nhân dân, Như Ý>