Hai lần bảo vệ tổng thống Mỹ của cảnh vệ Việt Nam
Hai lần tổng thống Mỹ Bill Clinton và George Bush đến Việt Nam đặt các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh cảnh vệ vào nhiều tình huống đòi hỏi phản ứng tức thời, khéo léo. 
Thượng tá Võ Xuân Quang, người đang giữ nhiều kỷ vật quý, trong đó có tấm danh thiếp và tấm ảnh có chữ ký của Thống thống Bush gửi tặng...
Các cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam phối hợp với mật vụ Mỹ bảo vệ tổng thống Clinton trong chuyến thăm Hà Nội năm 2000

Các cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam phối hợp với mật vụ Mỹ bảo vệ tổng thống Clinton trong chuyến thăm Hà Nội năm 2000. Ảnh: Thượng tá Võ Xuân Quang cung cấp

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Bill Clinton vào tháng 11/2000 mang ý nghĩa đặc biệt bởi ông là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau chiến tranh. Ông cũng là người công bố dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam do Mỹ áp dụng từ sau năm 1975, tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước năm 1995. 

Cơ quan mật vụ Mỹ lúc đó lo ngại về những rủi ro tổng thống có thể gặp khi tới Việt Nam và đưa ra nhiều yêu cầu, trong đó có việc dùng trực thăng quần thảo trên không, cho lính bắn tỉa Mỹ chiếm lĩnh các điểm cao ở những nơi tổng thống đi qua hoặc làm việc. Mật vụ Mỹ còn yêu cầu đưa chó nghiệp vụ vào kiểm tra toàn bộ các khu vực, cơ quan trước khi tổng thống Mỹ đến. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tư lệnh cảnh vệ - đơn vị được Bộ Công an trực tiếp giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo vệ đã khéo léo từ chối yêu cầu trên của Mật vụ Mỹ vì không phù hợp tình hình  thực tế của Việt Nam. Thượng tá Bùi Xuân Khoan, khi đó là đội trưởng đội tham mưu của Phòng Bảo vệ khách quốc tế, mít tinh, hội nghị, kể lại: "Chúng tôi đã thuyết phục phía Mỹ rằng Việt Nam là đất nước an toàn, thân thiện. Người Việt Nam cũng yêu chuộng hòa bình. Tổng thống Mỹ sẽ được đảm bảo tuyệt đối an toàn khi tới đây".

Thượng tá Khoan cũng cho biết các chiến sĩ cảnh vệ Việt Nam tham gia bảo vệ tổng thống Mỹ đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo các yêu cầu cao nhất đối với một sĩ quan bảo vệ tiếp cận.

Sau khi trao đổi các biện pháp nghiệp vụ, gặp gỡ các sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ Việt Nam tham gia bảo vệ tổng thống, phía Mỹ cuối cùng cũng chấp nhận từ chối của phía Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đề nghị Việt Nam cho lực lượng Công binh, Bộ Quốc phòng rà mìn trên toàn bộ các tuyến đường tổng thống đi qua. Đoạn đường từ sân bay Nội Bài về tới khách sạn Daewoo được Mỹ tính toán tỉ mỉ từng cây cầu, từng đoạn đường ngang dân sinh.

Trong thời gian tổng thống ở Việt Nam, Mỹ cũng cho vệ tinh tình báo liên tục bay ở khu vực Việt Nam nhằm phòng ngừa rủi ro. 

Bà Clinton chụp ảnh cùng sĩ quan cảnh vệ Võ Xuân Quang trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000. Ảnh: Thượng tá Võ Xuân Quang cung cấp

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chụp ảnh với sĩ quan cảnh vệ Võ Xuân Quang trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012. Ảnh: Thượng tá Võ Xuân Quang cung cấp

Thượng tá Võ Xuân Quang, người trực tiếp bảo vệ tiếp cận Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho biết: "Người Mỹ làm việc rất tỉ mỉ, cẩn trọng. Một lần, trước khi ông Clinton lên đường tới một địa điểm qua địa phận huyện Đông Anh, có một đám cháy nhỏ xảy ra ở đó. Chính mật vụ Mỹ đã báo với cảnh vệ Việt Nam và hỏi kỹ xem đó là đám cháy thế nào". Khi được phía Việt Nam xác nhận an toàn, đoàn Mỹ mới cho xe chuyển bánh. 

Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, mật vụ Mỹ thường sắp xếp cho tổng thống đi ra khách sạn bằng một cửa, về bằng cửa khác. Thậm chí, có khi Mỹ báo là sẽ đi đường này, nhưng khi đi lại đi đường khác.

Trong những lần gặp mặt tại cơ quan nhà nước, Mỹ luôn sắp xếp hai xe giống hệt nhau cho nguyên thủ và hai xe này có thể đảo vị trí khi cần thiết, áp sát phía sau là xe đặc chủng có thể chống được cả súng trường. Chiếc xe này có thành dày trên 10 cm, cao gần 3 m, trên mỗi xe có vệ sĩ thường trực. 

Người Mỹ rất đúng giờ trong các hoạt động do lãnh đạo Việt Nam tiếp đón, nhưng khi trở về, không khi nào xe chở tổng thống Mỹ về đúng giờ đã định. Họ có thể tăng tốc, giảm tốc, đảo vị trí xe liên tục để tránh bị phát hiện. 

Năm 2000, khi ông Clinton ở khách sạn Daewoo, người Mỹ còn lo xa đến mức không để lực lượng cảnh vệ Việt Nam vào khách sạn. Nhưng khi đã biết về phong cách làm việc của Việt Nam, Mỹ để ba phòng cho cảnh vệ Việt Nam trong khách sạn Sheraton, khi tổng thống Bush tới Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2006. 

Ngày đầu tiên, không cảnh vệ nào được tới tầng của tổng thống Bush. "Nguyên tắc của mật vụ Mỹ là không nhìn thẻ, không nhìn phù hiệu, chỉ nhận mặt và qua xác nhận mặt đối mặt", Thượng tá Quang, người được tiếp cận tổng thống Bush trong phòng riêng vào ngày sau đó, kể.  

Tổng thống Bush gửi tặng thượng tá Võ Xuân Quang ảnh chụp chung kèm chữ ký và card visit. Ảnh: Thượng tá Võ Xuân Quang cung cấp

Tổng thống Bush gửi tặng thượng tá Võ Xuân Quang ảnh chụp chung trong phòng riêng kèm chữ ký và card visit. Ảnh: Thượng tá Võ Xuân Quang cung cấp

Trên đường di chuyển, Mỹ luôn có các xe phá sóng đi kèm đoàn để ngăn chặn các thiết bị được kích nổ bằng điện thoại. Xung quanh khu vực có tổng thống Mỹ đi qua, sóng điện thoại bị phá bởi xe phá sóng của cả phía Mỹ và Việt Nam.

Với lực lượng cảnh vệ, bảo vệ hoạt động ngoài trời của các nguyên thủ là nhiệm vụ khó khăn nhất. Khi ông Clinton trò chuyện với sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội hay người dân ở Văn Miếu, các kịch bản đều được tính trước với những đội hình bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, kết hợp với mật vụ Mỹ. 

Thượng tá Quang cho rằng chính nhờ việc đảm bảo an toàn cho ông Clinton tiếp cận dân chúng, mật vụ Mỹ dường như tin tưởng các đồng nghiệp Việt Nam hơn. Khi tổng thống Bush sang Việt Nam dự Hội nghị APEC năm 2006, ông Bush đã hạ kính ôtô, vẫy tay chào Hà Nội.

"Đây chính là hình ảnh thể hiện sự thành công trong công tác bảo vệ của lực lượng Cảnh vệ Việt Nam", thượng tá Quang nói.


bài viết khác