Khảo sát và trao đổi nghiệp vụ tại Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào
       Khu di tích lịch sử Tân Trào nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang bao gồm 11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa (huyện Yên Sơn); Tổng diện tích tự nhiên 530,9 km². Đây la khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các bộ, ban, ngành trung ương. Ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

       Trong số gần 177 điểm di tích thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, có 6 điểm di tích của lực lượng Công an nhân dân; trong đó có địa điểm Nha Công an Trung ương và Sân bay Lũng Cò hiện nay thuộc Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (xếp hạng di tích Quốc gia năm 1999). 4 điểm di tích còn lại gồm: Di tích Bộ Công an thời kỳ 1953 - 1954 (xã Bình Yên, huyện Sơn Dương); Trường Công an Trung ương (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương); địa điểm đơn vị MATH - tiền thân lực lượng Trinh sát kỹ thuật Công an nhân dân (xã Công Đa, huyện Yên Sơn) và Trung đoàn 600 (xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn) thuộc Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào quản lý.

       Dưới sự quản lý của  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang và trực tiếp là Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào, các điểm di tích của lực lượng CAND được bảo vệ, phát huy giá trị. Để chủ động và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quản lý, tôn tạo và khai thác phát huy giá trị di tích, các cơ quan chức năng Ngành Công an đã thống nhất kiến nghị giao quyền quản lý các 4 điểm di tích trên về Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Nha Công an Trung ương.

       Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, ngày 12 tháng 10 năm 2018, tổ công tác do đồng chí Thượng tá Trần Văn Nghị, Giám đốc Bảo tàng CAND chủ trì đã tổ chức khảo thực tế và làm việc thống nhất các nội dung liên quan.
 


<Đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan họp bàn tại Khu Di tích lịch sử Nha Công an Trung ương>

        Sau khi tiến hành khảo sát các địa điểm; kiểm tra hồ sơ tài liệu liên quan; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan (Bảo tàng Công an nhân dân; Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào quản lý; Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Nha Công an Trung ương) đã tiến hành buổi họp bàn thống nhất phương án đề xuất:

      + Hoàn thành thủ tục báo cáo Lãnh đạo Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang.

      + Tổ chức lễ bàn giao các điểm di tích dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.


      + Kiến nghị nội dung và biện pháp quy hoạch và tôn tạo nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa đối với các điểm di tích của lực lượng Công an nhân dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

       Cũng trong buổi làm việc, đại biểu đã trao đổi một số kinh nghiệm trong qua trình tổ chức quản lý, tu bổ và khai thác di tích lịch sử - văn hóa; thảo luận một số vấn đề về quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa trong tình hình hiện nay.
     

 



<Đoàn khảo sát thực tế tại địa điểm Di tích Bộ Công an
thời kỳ 1953 - 1954,
xã Bình Yên, huyện Sơn Dương>

 


<Xuân Tuyên - Bảo tàng CAND>