Khu Di tích lịch sử Ban An ninh Khu IX
- Địa chỉ: ấp Kênh Tư, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang
- Thời gian mở: từ 8h00’ - 17h00’ tất cả các ngày trong tuần; Số điện thoại liên hệ: 091 963 2563

 
       Từ trung tâm thành phố Rạch Giá xuôi theo lộ 61 khoảng 10km, đến thị trấn Minh Lương; từ đây đi theo quốc lộ 63 khoảng 30km sẽ tới Khu di tích. Được quy hoạch trên diện tích 22 hecta, Khu di tích An ninh Khu IX tọa lạc trên vạt rừng tràm nhiều năm tuổi; là địa điểm đóng quân của Ban An ninh Khu IX thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi đây là cửa ngõ tiếp cận khu căn cứ cách mạng Khu ủy Khu IX; Tỉnh ủy và các cơ quan kháng chiến của tỉnh Kiên Giang.

 

<Toàn cảnh Khu di tích>
 
       Đầu năm 1961, thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ và Liên Tỉnh ủy Tây Nam Bộ - Khu ủy, Ban Bảo vệ an ninh Khu IX (T3), gồm 11 đồng chí được thành lập. Qua 14 năm hình thành và phát triển (1961 - 1975), Ban An ninh Khu IX nhiều lần dời chuyển căn cứ trong rừng U Minh Hạ (Cà Mau) và U Minh Thượng (Kiên Giang). U Minh Hạ ở Cà Mau là hậu cứ, U Minh Thượng ở Kiên Giang vừa là nơi thành lập vừa là căn cứ đứng chân để triển khai công tác và chiến đấu. Địa bàn đứng chân chủ yếu ở khu vực Kênh 7, Kênh 8 và Kênh 9 thuộc huyện U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang. Năm 1971, Ban An ninh Khu IX chuyển về đứng chân tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cho đến năm 1975.

       Khi thành lập (năm 1961), căn cứ đứng chân của Ban An ninh Khu IX tại Kênh 9, Trí Phải, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), đến đầu năm 1962 chuyển về xóm Tắc, xã Tân Hòa, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

       Từ năm 1965 - 1971, căn cứ được chia làm hai hình thái: “hậu cứ” và “căn cứ đứng chân” để hoạt động. “Hậu cứ” luân chuyển trên địa bàn 3 xã: Ba Viễn, Bảy Dương và Nguyễn Huân thuộc huyện Tư Kháng (huyện Đầm Dơi) tỉnh Cà Mau. “Căn cứ đứng chân”, từ năm 1965 - 1971, các Tiểu ban liên tục luân chuyển trên địa bàn Kênh 7, Kênh 8, Kênh 9 thuộc huyện Vĩnh Thuận và ấp Phú Lâm, xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá để triển khai các mặt công tác nghiệp vụ và đánh địch. Sau một thời gian hoạt động, do yêu cầu cần củng cố lực lượng mới lui về hậu cứ thuộc địa bàn huyện Tư Kháng, tỉnh Cà Mau. Khi lực lượng ổn định lại tiếp tục chuyển lên căn cứ đứng chân để hoạt động.

       Từ cuối năm 1971, Ban An ninh chuyển toàn bộ hai hình thái (hậu cứ và căn cứ đứng chân) về đóng tại ấp Phú Lâm, xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là ấp Kênh Tư, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - địa điểm Khu di tích hiện nay) cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng…

 

<Tuổi trẻ An ninh Khu IX dự Hội nghị mừng công và phát động phong trào thi đua "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" tại Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, năm 1973>
 
       Trải qua các giai đoạn dựng xây và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy Khu IX và Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam; được Nhân dân hết lòng đùm bọc, che chở và giúp đỡ, Ban An ninh Khu IX đã tiến hành các biện pháp tổ chức đấu tranh chống gián điệp, phản động; hướng dẫn và chỉ đạo an ninh các cấp trong toàn Khu và quần chúng diệt ác phá kìm, phá chính quyền cơ sở của địch, xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở của cách mạng; kết hợp với vũ trang đánh địch để bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, bảo vệ phong trào cách mạng và quần chúng Nhân dân.

 

<Hội nghị Ban An ninh Cần Thơ lần thứ 8, năm 1972>
 
       Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ban An ninh Khu IX đã xây dựng căn cứ và chuyển căn cứ khoảng 20 lần trên các cánh rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ thuộc tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau. Lần cuối cùng, từ cuối năm 1971 căn cứ được xây dựng tại An Minh Bắc, là đị điểm Khu di tích ngày nay. Tháng 4/2015, Di tích được Khu IX được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xếp hạng Di tích cấp tỉnh và tháng 01/2019 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia.
 
       Để tri ân những cống hiến và sự hy sinh các thế hệ An ninh Khu IX và Ban An ninh Khu IX trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định đầu tư xây dựng, tôn tạo Khu di tích An ninh Khu IX tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Công trình tôn tạo được khởi công xây dựng vào ngày 30/6/2010 và khánh thành ngày 17/4/2015.
 

<Lễ khánh thành Khu di tích An ninh Khu IX, ngày 17/4/2015>
 
       Các công trình trọng điểm được xây dựng tôn tạo tại Khu di tích gồm có Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ Quốc; Phù điêu “70 năm Công an nhân dân chiến đấu, xây dựng và trưởng thành”; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ; Bảo tàng CAND tại Khu di tích và một số hạng mục công trình phục vụ quản lý, khai thác phát huy giá trị.
 

<Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Khu di tích>

       Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Khu di tích An ninh Khu IX lấy mẫu cơ bản của tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được thiết kế, xây dựng ở các khu di tích CAND; điểm khác là phần thân tượng đài có chạm khắc những đường nét thể hiện cây tràm, cây đước của đất rừng U Minh. Phía  sau tượng  đài là phù điêu “70 năm Công an nhân dân chiến đấu, xây dựng và trưởng thành”. Tương tự phù điêu tại các khu di tích lịch sử - văn hóa CAND, nội dung phù điêu tại Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX chạm khắc 39 sự kiện nổi bật phản ánh từng giai đoạn hình thành và phát triển, những thành tựu, chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Phía dưới phù điêu khắc danh sách các tập thể, cá nhân Anh hùng CAND.
  

<Bia ghi danh tại Khu di tích>

       Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ CAND có diện tích khoảng 340m2, bên trong bố trí không gian tưởng niệm và trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự quan tâm, tình cảm của Người dành cho lực lượng CAND. Ở hành lang bên ngoài quanh Nhà tưởng niệm là bia ghi danh 5.089 liệt sỹ lực lượng Công an 11 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ.

 
<Bảo tàng CAND tại Khu di tích>
 
       Bảo tàng CAND tại Khu di tích được xây dựng phía bên trái; có diện tích 573m2; trưng bày gần 500 tài liệu hiện vật và tư liệu lịch sử. Nội dung trưng bày giới thiệu khái quát quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển của lực lượng CAND trong đó có những dấu ấn đậm nét và vai trò, đóng góp của lực lượng An ninh miền Nam, đặc biệt là lực lượng An ninh Khu IX và Công an các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
 

<Tổ hợp mỹ thuật An ninh miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)>
 
       Ngoài ra là các hạng mục: nhà Ban quản lý; nhà dừng chân khách tham quan; hệ thống đường nội bộ; các chòi canh… đều được thiết kế xây dựng hợp lý, đáp ứng yêu vầu bảo vệ, bảo quản và tổ chức phát huy giá trị.
 

<Cổng vào Khu di tích An ninh Khu IX>
 
       Khu Di tích An ninh Khu IX được xây dựng tôn tạo và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2015) tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã góp phần đáp ứng nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Khu IX và An ninh miền Tây Nam Bộ cùng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong khu vực.
 

 
<BBT - Baotangcand.vn>