Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân
         Địa chỉ: thôn Nguộn, tại xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
        Thời gian mở cửa: từ 8h00’ - 17h00’ tất cả các ngày trong tuần; số điện thoại liên hệ: 091 252 5956

 
        Cách thành phố Bắc Giang khoảng 18 km và cách trung tâm huyện Tân Yên khoảng 7km, Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được xây dựng tôn tạo cạnh Chùa Nguộn - địa điểm đóng quân của Công an Khu XII thời điểm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1948.
 

<Toàn cảnh Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND>
 
          Chùa Nguộn, cách gọi theo tên thôn Nguộn, xã Nhã Nam; Chùa còn có tên gọi là Đại Phúc Tự, được xây dựng tờ thời Lê (1771 - 1773), với kiến trúc “nội công ngoại quốc”, gồm 7 gian tiền đường, 5 gian trung đường, 3 gian tam bảo (hậu cung) cùng hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà khách... Năm 1885, thực dân Pháp đã tấn công tàn phá khu vực Nhã Nam và chúng đã phá huỷ Chùa, lấy gỗ xây dựng đồn bốt. Không để mai một những giá trị truyền thống làng xã Việt Nam và đảm bảo “Đức Phật” luôn hiện hữu, che chở cho người dân Nhã Nam, chỉ một năm sau đó, với sự góp công của Nhân dân 4 giáp (làng): giáp Nguộn, giáp Thượng, giáp Hạ và giáp Chuông, ngôi Chùa đã được phục dựng lại vào năm 1886. Và cũng vì vậy Chùa còn được gọi là Chùa Tứ Giáp.

        Trải qua hơn 200 năm tồn tại, do tác động của thiên tai, địch họa, Chùa Tứ Giáp đã bị hư hại và mai một nhiều hạng mục; nhất là vào năm 1947 Chùa Tứ Giáp lại bị tàn phá bởi cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Yên Thế. Tại Chùa Tứ Giáp đã xảy ra trận đụng độ ác liệt giữa ta và địch khiến Chùa bị hư hỏng nặng chỉ còn lại tòa tiền đường và một số khu vực thờ tự.

        Được sự quan tâm của Chính quyền, đoàn thể các cấp và tấm long hảo tâm của các tập thể, cá nhân, hiện nay Chùa Tứ Giáp đang được trùng tu, tôn tạo nhằm phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống và tôn vinh một địa chỉ mang nhiều ý nghĩa nhân văn…

        Xã Nhã Nam có thị trấn Nhã Nam được thành lập năm 1957. Nơi đây hội tụ các tuyến giao thông thiết yếu, có thể tiến về vùng đồng bằng của Bắc Giang, Bắc Ninh và lùi về khu vực rừng núi Thái Nguyên, Bắc Kạn… Vì thế, thôn Nguộn và Chùa Tứ Giáp đã được chọn là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng bộ Bắc Giang cùng nhiều cơ quan cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; đặc biệt, Chùa Tứ Giáp và thôn Nguộn là nơi ở và làm việc của Công an Khu XII trong thời gian từ cuối năm 1946 đến khoảng tháng 4/1948.

        Sau Hiệp định sơ bộ (06/3/1946), quân Pháp tiến vào miền Bắc, để thuận tiện chỉ đạo và phát huy khả năng độc lập tác chiến của từng địa phương, các chiến khu mới được thành lập ở Bắc Bộ gồm khu X, XI, XII. Công an khu XII được lập ra do đồng chí Hoàng Mai làm Giám đốc Sở; “đại bản doanh” đóng thôn Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; cán bộ, chiến sĩ được bố trí ở làm và làm việc tại Chùa Tứ Giáp và nhờ một số nhà dân trong thôn. Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Công an khu XII đã xuất bản báo “Bạn Dân” phục vụ các hoạt động tuyên truyền. Nhân dịp tết Nguyên Đán năm 1948, đồng chí Hoàng Mai gửi thư và biếu Bác Hồ một tờ báo Bạn Dân số tết.

        Ngày 11/3/1948, Bác Hồ đã gửi thư cho đồng chí Giám đốc Công an Khu XII, trong thư Bác đã động viên, khen ngợi và ân cần chỉ bảo cách viết báo; dặn dò, Công an ta là Công an của dân, vì dân mà phục vụ, biết dựa vào dân để làm thì việc gì cũng xong…, đặc biệt, Người đã có Sáu điều dạy đối vởi CAND:

1. Đối với mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
2. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
3. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
4. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
5. Đối với công việc, phải tận tụy.
6. Đối với địch phải, cương quyết, khôn khéo.

 

<Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc
Công an khu XII ngày 11/3/1948>
 
        Sau khi tiếp nhận thư Bác với Sáu điều dạy về tư cách người Công an cách mạng, Nha Công an Trung ương đã phát động lực lượng CAND trong cả nước, bằng nhiều hình thức tổ chức phong trào học tập, thực hiện những điều dạy của Người. Tháng 5/1948, Công an Thanh Hóa đã mở lớp “Chỉnh huấn tập trung” tại Rừng Thông (huyện Đông Sơn). Ở các khu trại đều có các pa nô ghi Sáu điều Bác Hồ dạy, đồng thời tổ chức tuyên thệ và hứa làm theo Sáu điều dạy của Bác. Với hình thức “kiểm thảo thành thật”, cá nhân tự kiểm điểm, liên hệ bản thân về những ưu, nhược điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm; cuối đợt, tổ chức tổng hợp đánh giá kết quả thi đua và nêu gương điển hình trong phong trào "Luyện cán bộ, lập chiến công" được Nha công an Trung ương phát động tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 2 (năm 1948), lấy đó làm tiền đề phát huy thắng lợi, tạo đà cho phong trào "Thi đua ái quốc" trên cả nước.
 

<Các khu trại tham dự Tổng kiểm thảo tổ chức tại Rừng Thông (Đông Sơn, Thanh Hóa), năm 1948>
 
        Sau khi được thành lập năm 1947, Sở Công an Nam Trung Bộ chỉ đạo Công an các tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thi đua, đặc biệt kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác, phong trào “Rèn cán, lập công” do Nha Công an Trung ương phát động được thực hiện rộng khắp. Năm 1951, trong điều kiện ở xa Trung ương, Sở Công an Nam bộ đã cho xuất bản cuốn “Sáu lời dạy của Hồ Chủ tịch”, trở thành tài liệu “gối đầu giường” của mỗi các bộ chiến sỹ Công an Nam Bộ học tập, thực hiện tốt nhất lời dạy của Bác…
 

<Sáu điều dạy của Bác Hồ dạy Sở Công an Nam Bộ treo
tại các phòng làm việc>
 
        Trong suốt những năm tháng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Sáu điều Bác Hồ dạy luôn là cẩm nang, là nguồn cội để lực lượng CAND rèn luyện, phấn đấu. Học tập, thực hiện theo Sáu điều dạy của Người, lực lượng CAND đã lập nên những chiến công vẻ vang, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
 

<Hội nghị mừng công và phát động phong trào thi đua “Sống, chiến đấu,
lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” tại căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, năm 1973>
 
        Miền Nam được hoàn toàn giải phóng; trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước thì các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá. Trong hoàn cảnh mới, phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và có sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước liên tục phát động phong trào bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, nhằm vận dụng thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy vào từng lĩnh vực công tác và cuộc sống hàng ngày của mỗi cán bộ chiến sĩ.

        Ngày 25/5/1983, Bộ Nội vụ ban hành Chỉ thị số 04 CT/BNV phát động trong toàn lực lượng CAND “Học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với CAND”. Một năm sau, ngày 02/6/1984, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Chỉ thị 03 CT/BNV, “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy đối với CAND”. Công an các tỉnh, thành phố cả nước đã ký kết giao ước thi đua và tích cực triển khai phong trào học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy. Các hội nghị sơ kết, tổng kết được tổ chức nhằm đánh giá kết quả và nhân rộng các mô hình, biện pháp và cách làm hiệu quả trong phong trào thi đua.

 

 <Lễ ký giao ước thi đua thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy của tuổi trẻ Công an 4 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Quảng Nam - Đà Nẵng>
 
        Từ năm 1986, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Nhằm góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt cả trong tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự trong thời kỳ mới, ngày 04/5/1994, Bộ Nội vụ ban hành Chỉ thị số 214-CT/BNV, “Tiếp tục học tập và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy CAND trong tình hình mới”.

        Trước những thời cơ, vận hội và thách thức mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, ngày 07/11/2006, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các tổ chức chính trị - xã hội đã tiếp thêm sức mạnh, đồng thời khẳng định vai trò và ý nghĩa to lớn của phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Ngày 01/11/2008, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 12/2002-CT/BCA(X11) về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy từ năm 2003 đến năm 2008”. Quán triệt thực hiện lực lượng CAND các đơn vị, địa phương trên cả nước đã nỗ lực và cụ thể hóa phong trào học tập, thực hiện Sáu điều bác dạy bằng những hành động, việc làm thiết thực, gắn liền với triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác.

        Xác định tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta; đồng thời nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa và thực hiện thường xuyên, hiệu quả phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 05/2008/CT-BCA(X11), ngày 26/5/2008 về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, giai đoạn 2008 - 2013” và Chỉ thị số 05/CT-BCA-X11, ngày 19/8/2013 về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, giai đoạn 2013 - 2018”…
 

<Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Trần Đại Quang với các đại biểu dự Lễ tuyên dương “Thanh niên Công an tiêu biểu làm theo lời Bác”, năm 2011>
 
        Trải qua 70 năm (1948 - 2018), những lời dạy của Bác Hồ về “Tư cách người Công an cách mệnh” luôn là nội dung cơ bản trong phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND, góp phần tích cực xây dựng lực lượng CAND vững mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước qua các thời kỳ cách mạng. Phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND ngày càng lan tỏa, trở thành phong trào thi đua rộng lớn, luôn là trọng tâm xuyên suốt trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện phong trào “CAND thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” được gắn kết với phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”.

        Sáu điều của Người trở thành di sản tinh thần vô giá thể hiện đậm nét nhất tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng người Công an cách mạng suốt đời vì nước, vì dân.

        Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Công an khu XII nêu Sáu điều dạy về tư cách người Công an cách mạng (11/3/1948 - 11/3/2018) và 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), Bộ Công an đã quyết định đầu tư xây dựng Khu Lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Đây là công trình nhằm tôn vinh tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho lực lượng CAND; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của lực lượng CAND đối với Bác Hồ kính yêu. Là địa chỉ giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND, nhất là thế hệ trẻ và các tầng lớp Nhân dân nói chung.
 

<Bộ trưởng Tô Lâm thị sát và cho ý kiến chỉ đạo tại công trình>
 
        Sau gần một năm triển khai, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Công an và sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan, Công trình Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 Ngày Bác Hồ có Sáu điều dạy đối với CAND (11/3/1948 - 11/3/2018).
 

<Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; lãnh đạo Bộ Công an và đại biểu trong cây tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trong ngày cắt băng khánh thành công trình>

 
        Toàn bộ công trình Khu lưu niệm được xây dựng trên diện tích 3,55 hecta; gồm các hạng mục trọng tâm: Tượng đài “Bác Hồ với Công an nhân dân”; Phù điêu “70 năm CAND học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”; Nhà truyền thống Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và các hạng mục được xây dựng, tôn tạo phục vụ phát huy giá trị Khu lưu niệm…
 

<Tượng đài Bác Hồ với CAND tại Khu lưu niệm>

 

<Nhà truyền thống tại Khu lưu niệm>
 
        Sau khi được khánh thành đưa vào khai thác, Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đã trở thành một địa chỉ quan trọng để lực lượng CAND thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động tri ân, báo công dâng Bác. Là điểm đến “yêu thích” của du khách thập phương.
 

<Công an thành phố Hải Phòng báo công dâng Bác tại Khu lưu niệm>



 
<TN - Bảo tàng CAND>