Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (23/01/1916 - 23/01/2021)
I. Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Quốc Hoàn

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916 trong một gia đình nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước, năm 1930 đồng chí tham gia tổ chức học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, đồng chí thoát ly gia đình đi làm phu mỏ chì Bo-Neng ở Lào. Tại đây, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3/1934, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
                                                      
<Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14, tháng 1/1960>

       Cuối năm 1934, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 8 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, chúng đưa đồng chí về Hà Tĩnh quản thúc. Năm 1936, đồng chí trốn ra Hà Nội, tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ, công tác ở Ban Quản trị của Báo Bạn Dân, Thời Thế, Hà Thành thời báo và tham gia các hoạt động công khai của Mặt trận dân chủ. Năm 1937-1939, theo Chỉ thị của Đảng, đồng chí rút vào hoạt động bí mật, tham gia Thường vụ Thành ủy Hà Nội, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bị địch theo dõi, truy lùng gắt gao, tháng 5/1940 đồng chí được Đảng điều động đi khỏi Hà Nội và công tác ở cơ quan in báo Giải phóng (sau đổi thành báo Cờ Giải phóng), phụ trách Trạm giao thông của Xứ ủy Bắc Kỳ, tiếp đó phụ trách phong trào của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

       Đầu năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt đưa về Hà Nội, bị kết án 6 năm tù, 20 năm quản thúc, chúng giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội và nhà tù Sơn La. Trong nhà tù, đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động, được bầu làm Phó Bí thư rồi Bí thư chi bộ nhà tù. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), đồng chí đã tham gia lãnh đạo tù chính trị ở nhà tù Sơn La đấu tranh buộc thực dân Pháp phải trả tự do và sau đó tổ chức đưa hơn 200 đồng chí về xuôi an toàn, kịp thời cung cấp cán bộ cho phong trào cách mạng. Ra tù, tháng 4/1945 đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ. Sau Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí được giao đảm nhiệm nhiều trách nhiệm quan trọng, như: Bí thư Liên khu ủy II, Bí thư Liên khu ủy X, Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội.

       Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1952, Trung ương Đảng phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng sang phụ trách Nha Công an Việt Nam, rồi làm Bộ trưởng Bộ Công an cho đến năm 1980. Năm 1954, đồng chí được Trung ương chỉ định kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

       Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Năm 1972, đồng chí là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

       Từ năm 1961 đến năm 1980, đồng chí tham gia Quân ủy Trung ương. Cuối năm 1980, đồng chí được Trung ương cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

       Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ Khoá II đến Khoá VII. Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với cách mạng, Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác.
Ngày 31/7/2015, Bộ Chính trị đã có quyết định công nhận đồng chí Trần Quốc Hoàn là cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng.

II. Những cống hiến to lớn của đồng Trần Quốc Hoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

       1. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng; Người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam


       Sinh ra và lớn lên trên quê hương Xô-Viết Nghệ Tĩnh, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân, phong kiến, chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước, đồng chí đã sớm tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương. Do tích cực hoạt động cách mạng trên quê hương và trên đất bạn Lào nên mới 18 tuổi (tháng 3/1934), đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

<Trần Quốc Hoàn (người ngồi bên phải) cùng cha và ba em trai chụp ảnh lưu niệm tại thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh năm 1928>

       Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã bị thực dân Pháp bắt 02 lần. Lần thứ nhất vào cuối năm 1934, bị kết án 8 tháng tù giam và 5 năm quản thúc tại Hà Tĩnh. Lần thứ hai vào đầu năm 1941, bị kết án 6 năm tù và 20 năm quản thúc. Trong nhà tù đế quốc, chế độ giam giữ, ăn uống, sinh hoạt kham khổ, hà khắc, thiếu thốn, lại bị tra tấn dã man, tàn bạo, phải lao động khổ sai nặng nhọc… hòng làm suy sụp tinh thần, ý chí của những người cộng sản, những chính trị phạm, nhưng với nghị lực mạnh mẽ, với trách nhiệm là Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La, đồng chí đã cùng đồng đội, những đảng viên trung kiên biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Chi bộ nhà tù Sơn La có thành tích lớn là đã bồi dưỡng được nhiều cán bộ cho cách mạng, thông qua việc lập ra các ban, các tổ quản lý, điều hành mọi hoạt động, đấu tranh có nề nếp, có kỷ luật; vừa làm kinh tế, vừa nắm tình hình địch, tập hợp, vận động quần chúng, vận động binh lính địch, bảo vệ nội bộ, chống nội gián, chống âm mưu gây chia rẽ của địch và tổ chức các lớp huấn luyện về chính trị, quân sự; tổ chức sinh hoạt văn nghệ, vui chơi, giải trí để giữ vững tinh thần, chí khí cách mạng của người cộng sản.

       Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945, theo chỉ đạo của Trung ương và với sự nhạy bén, chủ động nắm thời cơ, đồng chí đã tham gia cùng chi bộ lãnh đạo anh em tù chính trị ở nhà tù Sơn La đề ra nội dung, biện pháp đấu tranh khôn khéo, thuyết phục buộc bọn cai ngục Pháp và tay sai phải trả tự do cho các tù chính trị. Cùng với chi bộ Nhà tù, đồng chí đã tổ chức đưa hơn 200 anh em tù chính trị về xuôi an toàn, kịp thời cung cấp cán bộ cho phong trào cách mạng của Đảng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã được Đảng sớm cử giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng: Năm 1937 tham gia Thường vụ Thành ủy, làm Phó Bí thư, đến năm 1939 làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 4/1945, được Trung ương cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ trực tiếp tham gia chuẩn bị và chỉ đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ, đồng chí đã nắm vững chủ trương, đường lối, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vĩ đại trong cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí là phái viên của Trung ương Đảng, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Liên khu I “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sau là Bí thư Liên Khu ủy II, Bí thư Liên Khu ủy X, Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội.

       Như vậy, đối với Hà Nội, đồng chí đã ba lần được phân công làm Bí thư Thành ủy (1939, 1949-1952), đặc biệt tháng 9/1954 khi giải phóng Thủ đô, đồng chí vừa làm Bộ trưởng Bộ Công an vừa được Trung ương chỉ định làm Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy tiếp quản Hà Nội. Trên cương vị Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội, đồng chí đã cùng Thành ủy Hà Nội lãnh đạo Nhân dân Thủ đô trong điều kiện từ chiến tranh chuyển sang hòa bình: đòi thực dân Pháp thi hành nghiêm chỉnh hiệp định, đấu tranh bảo vệ thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài vào tiếp quản, giải phóng hoàn toàn Thủ đô; đề ra nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch tiếp quản về quân sự, nội chính, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế; phát động quần chúng đấu tranh chống địch phá hoại, cưỡng ép di cư…Công tác tiếp quản đã hoàn thành tốt đẹp theo đúng sự chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ.

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn có hơn 30 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951-1980), hơn 20 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Quân uỷ Trung ương (1960-1982), là đại biểu Quốc hội từ Khóa II đến Khóa VII. Đồng chí có gần 28 năm phụ trách ngành Công an, trong đó, nhiều năm là Bộ trưởng. Tới năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương cử làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Với tài năng và thường xuyên tự học tập, trau rồi, tích lũy kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, trên cương vị công tác được Đảng phân công, đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

       2. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Người đảng viên trung kiên, đức độ; cả cuộc đời vì Đảng, vì nước, vì dân

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn là một nhà cách mạng lão thành, tiền bối tiêu biểu, giàu lòng yêu nước, kiên định, kiên trì phụng sự lý tưởng cao cả của Đảng. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân và có uy tín lớn; đức độ cao, tác phong, lối sống giản dị, sâu sát, nhân từ, mềm dẻo và khiêm tốn; gần gũi quần chúng, hết lòng thương yêu giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ; tận tụy, sáng tạo, nhạy bén trong công tác, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh với bọn phản cách mạng và các loại tội phạm; cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong những năm hoạt động bí mật, cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí đã luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần kiên định, vững vàng và chí khí của người chiến sỹ cộng sản kiên cường vượt mọi gian nguy, thử thách.


<Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Đặc Khu ủy Hà Nội (hàng đứng, ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí lãnh đạo tại Việt Bắc năm 1949>

       Trong mọi công việc được Đảng phân công, đồng chí đều thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; có trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, sáng kiến, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tiễn. Trên nhiều lĩnh vực, cương vị công tác, đồng chí luôn là người lãnh đạo, chỉ huy quy tụ, tập hợp quần chúng nhân dân và cán bộ dưới quyền; phát huy tốt vai trò, vị trí của lực lượng trí thức; tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện, phấn đấu; vừa học vừa tham gia công tác cách mạng; cần gì, thiếu gì học nấy; học suốt đời, lấy tổng kết kinh nghiệm xây dựng thành lý luận để chỉ đạo công tác thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất. Công việc chung của Đảng đã nhiều, nhiệm vụ của ngành Công an lại càng nhiều hơn, trong khi sức khỏe không được tốt, nhưng đồng chí vẫn học một cách thực sự đều đặn và chuyên cần, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: Còn hoạt động thì còn cần phải học, càng giỏi càng phải học, lấy tự học là cốt yếu, học ở mọi nơi, mọi lúc, học trong công việc, học đồng chí, học Nhân dân. Đồng chí đã coi học tập là một nhiệm vụ nhất thiết phải thực hiện thật tốt mới có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đồng chí có cuộc sống thanh cao, luôn luôn lạc quan, luôn quyết tâm vượt mọi trở ngại để cống hiến cho Đảng, cho dân, cho nước.

       Với 70 năm tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng và cũng bằng ấy năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Trần Quốc Hoàn là một trong những học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

       3. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Nhà lãnh đạo tài năng, xuất sắc; Người đặt nền móng xây dựng và phát triển lý luận CAND Việt Nam

       Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an gần 28 năm (1953-1980), đồng chí Trần Quốc Hoàn đã luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào việc xây dựng lực lượng CAND trở thành lực lượng vũ trang trọng yếu tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng, các loại tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Đồng chí cùng với Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, nguyên tắc, phương châm và biện pháp đấu tranh chống phản cách mạng, các loại tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng chí và lãnh đạo các cấp đã lãnh đạo lực lượng CAND góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đập tan mọi âm mưu, ý đồ hoạt động của bọn phản cách mạng, bọn tình báo gián điệp đế quốc và các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội của đất nước ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sau giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


<Đồng chí Trần Quốc Hoàn và lãnh đạo các đơn vị của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân lên đường vào Sài Gòn chỉ đạo công tác tiếp quản, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ngày 3/5/1975>
 
       Ngay từ khi được Đảng điều sang phụ trách ngành Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng CAND vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Đồng chí xác định: Muốn xây dựng lực lượng tốt cần phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ mà Đảng giao cho Công an, chẳng những phải thấy rõ tình hình và yêu cầu trước mắt mà còn phải tính đến yêu cầu của tương lai. Trong xây dựng lực lượng, đồng chí luôn nhắc nhở phải coi trọng xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn Thanh niên; không ngừng tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; tăng cường công tác quản lý cán bộ, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật; kiên quyết thực hiện chuyên môn hóa cán bộ và chính sách cán bộ của Đảng đối với từng lực lượng, loại cán bộ. Trong công tác cán bộ, đồng chí yêu cầu phải tổ chức, sử dụng một cách khoa học, đồng thời phải đảm bảo trang bị cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu và đi kịp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung. Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và xây dựng lực lượng của đồng chí thể hiện tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, tính khoa học và tầm nhìn chiến lược. Đó là cơ sở cho sự phát triển, trưởng thành của lực lượng CAND ngày nay.

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã giành nhiều thời gian, tâm huyết và trí tuệ xây dựng lý luận CAND Việt Nam.

       - Năm 1952, ngay sau khi được Trung ương cử sang phụ trách ngành Công an, đồng chí đã chỉ đạo tổng kết quá trình đấu tranh của lực lượng CAND từ khi được thành lập, rút ra những kết luận quan trọng về một số công tác cơ bản, đó là:  công tác bảo vệ cơ quan; công tác điều tra và nghiên cứu; công tác bắt và xét xử; công tác hỏi cung; vấn đề quản chế…, kết luận nhiều vấn đề thuộc phạm vi nguyên tắc, phương châm, chính sách, biện pháp trong đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội. Những kết luận đó trở thành phương hướng chỉ đạo công tác Công an, đồng thời là những vấn đề lý luận nghiệp vụ Công an, cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận CAND Việt Nam sau này.

       - Trong thực hiện đường lối công tác cơ bản của Đảng về đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, đồng chí đã nhấn mạnh phải nắm vững tư tưởng phòng ngừa tích cực, tiến công và tiến công liên tục bọn phản cách mạng và bọn tội phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào; thực hiện phương châm “nâng cao cảnh giác, không để lọt một kẻ địch, đề phòng lệch lạc, không được làm oan một người ngay”; chính sách “trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo… nghiêm trị bọn chủ mưu, thủ ác, khoan hồng những kẻ bị ép buộc, lầm đường và những kẻ hối cải, giảm tội hoặc miễn tội cho kẻ lập công, thưởng cho kẻ lập công lớn”; biện pháp “Không thể chỉ đơn độc sử dụng một hình thức đấu tranh hoặc chỉ đơn thuần dựa vào một biện pháp riêng biệt, mà phải khéo léo kết hợp hình thức đấu tranh chính trị với giáo dục tư tưởng, khéo kết hợp cải thiện dân sinh với đấu tranh chính trị; khéo kết hợp biện pháp chính trị, biện pháp quần chúng với biện pháp pháp luật, hành chính, nghiệp vụ, vũ trang…”.

       Những vấn đề đó đã tạo nền móng cho sự hình thành, phát triển của lý luận về công tác bảo vệ an ninh, trật tự nói chung và là nội dung cơ bản của đường lối đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng và hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CAND nói riêng. Đồng thời là “kim chỉ nam” cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tiễn trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, các loại tội phạm khác, giữ gìn an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND, những chủ trương, chính sách, phương châm, nguyên tắc đó đã thực sự “đi vào cuộc sống” mang lại hiệu quả, góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các cơ sở khoa học kỹ thuật phục vụ công tác đánh địch trên trận tuyến thầm lặng và quản lý các đối tượng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã đưa lại hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự của ngành Công an. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, do điều kiện đất nước ta còn lạc hậu, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an xây dựng, phát triển khoa học, kỹ thuật với quan điểm “Địch sử dụng kỹ thuật để đánh phá ta, ta cũng phải vươn lên về mặt này để đánh chúng; đối với chúng ta, khi đi làm cách mạng, ăn thua là xác định tư tưởng chính trị tốt, rồi từ đó ta hết lòng phấn đấu thì mọi khó khăn sẽ khắc phục được”. Ngày nay, tư tưởng chỉ đạo phát triển khoa học kỹ thuật của đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn được lực lượng CAND triển khai thực hiện trên mọi lĩnh vực công tác Công an.

       Đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn coi trọng việc xây dựng lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đây là vấn đề có tính chiến lược trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và toàn bộ các mặt công tác Công an. Đồng chí xác định“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng thì bảo vệ cách mạng cũng là sự nghiệp của quần chúng” và phải xuất phát từ lợi ích của quần chúng với tinh thần “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi; lấy hạnh phúc của Nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mọi cán bộ, chiến sĩ”. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí và lãnh đạo Bộ Công an, phong trào “Bảo vệ trị an” (nay là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc) ngày càng phát triển sâu rộng, từ “Phòng gian bảo mật” với khẩu hiệu “Ba không”, “Ba chống”, “Ba phòng” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; “Ba phòng”, “Ba không”, “Ba chống” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; và, phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” từ năm 1976 đến nay đã góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
 

<Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương liên quan về đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulro, năm 1976>

       Nhận thức rõ sức mạnh của dân tộc phải gắn liền với phát huy sức mạnh của thời đại trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí và Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường hợp tác quốc tế với cơ quan An ninh, Tình báo các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng. Từ những năm 1960, đồng chí đã sớm xây dựng mối quan hệ mật thiết với Ủy ban An ninh Liên Xô, Bộ An ninh Cộng hòa dân chủ Đức …, đặc biệt với Lào và Campuchia để khéo léo tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo cán bộ cho Công an Việt Nam, nhận viện trợ không hoàn lại để ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND. Đồng chí đã đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng có hiệu quả giữa Công an Việt Nam với các cơ quan An ninh, Cảnh sát các nước.

III. Tiếp tục quán triệt, vận dụng quan điểm, tư tưởng của đồng chí Trần Quốc Hoàn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn hiện nay

       Trong tình hình hiện nay những quan điểm, tư tưởng, phương châm, đối sách chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn còn nguyên giá trị trên tất cả các lĩnh vực của ngành Công an; do vậy, lực lượng CAND cần phải tập trung nghiên cứu, quán triệt, nắm vững để vận dụng vào học tập, công tác và chiến đấu. Tiến tới kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng là dịp để chúng ta thêm tự hào, lấy tấm gương cách mạng cao đẹp của đồng chí để soi rọi nhận thức, suy nghĩ và hành động cho thế hệ cộng sản hôm nay.


<Đồng chí Trần Quốc Hoàn và đoàn đại biểu dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 34 thăm và ôn lại những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân tại di tích Nhà sàn, ngày 31/12/1978>
 
       Thực hiện tốt lời dặn dò tâm huyết của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với cán bộ, chiến sĩ Công an:“Phải thật sự là người đầy tớ trung thành, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng nhân dân, phải được sự giám sát chặt chẽ, được sự phê bình xây dựng của quần chúng nhân dân” và “Xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; trong công tác thì quyết tâm vượt gian khổ, khó khăn; trong chiến đấu với địch thì dũng cảm, mưu trí, khi sa vào tay giặc thì kiên cường bất khuất; trong quan điểm phục vụ thì phấn đấu theo hoài bão và lý tưởng cao đẹp, là thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi; lấy hạnh phúc của Nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của cán bộ, chiến sĩ” góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

       Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn (23/01/1916-23/01/2021), chúng ta học tập và noi theo gương đồng chí về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an ngày nay phải không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và tin học, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu “Công an nhân dân Việt Nam”./.
 
 
BẢO TÀNG CÔNG AN NHÂN DÂN