Cách đây 66 năm, ngày 10/10/1954, gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia tiếp quản, đã tiến vào Thủ đô để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh với các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của thực dân Pháp. Từ chỗ ra sức củng cố Hà Nội, xây dựng Hà Nội thành đầu não chỉ huy chiến tranh, thực dân Pháp chuyển sang âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao. Chúng âm mưu để ta tiếp quản một thủ đô yếu kém về mọi mặt, tình trạng mất an ninh trật tự, các tệ nạn xã hội gia tăng. Do đó, nhiệm vụ nặng nề đối với lực lượng công an nhân dân lúc này là phải giữ vững ổn định về an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân, không để quân địch phá hoại, duy trì trật tự xã hội và đời sống bình thường trong thành phố. Lực lượng công an nhân dân đã đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân, gắn phong trào đấu tranh đòi hòa bình với phong trào bảo vệ quyền lợi của quần chúng, vận động quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của nhân dân, chống địch phá hoại; đồng thời, đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.
Theo kế hoạch tiếp quản, tại Hà Nội, từ cuối tháng 8/1954 lực lượng công an nhân dân đưa một số cán bộ vào thành phố để nắm tình hình chuẩn bị phục vụ tiếp quản. Ngày 8/10, Bộ Công an bố trí gần 200 cán bộ phối hợp với công an Hà Nội vào nội thành áp sát các mục tiêu do công an phụ trách. Ngày 10/10 lực lượng công an nhân dân tiếp quản Sở mật thám, Sở cảnh sát, trại giam Hỏa Lò, đồn cảnh sát ngụy. Khi vào chiếm lĩnh, lực lượng công an nhân dân tuyên bố giải tán các tổ chức cũ của địch, lập các tổ chức của công an. Để bảo vệ Thủ đô Hà Nội, lực lượng công an nhân dân đã kịp thời trấn áp bọn phá hoại, phòng chống các hoạt động thu thập tin tức tình báo, gián điệp; nghiêm trị số cầm đầu ổ nhóm lưu manh, vận động quần chúng thu hồi vũ khí, chất nổ, giữ gìn trật tự trị an trong thành phố.

<Bản đồ Hà Nội - lực lượng công an nhân dân sử dụng tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954>
Do thực hiện tốt các chính sách và kỷ luật tiếp quản, làm tốt công tác chuẩn bị, chủ động nắm chắc tình hình, có kế hoạch cụ thể, sát hợp nên công tác tiếp quản của lực lượng công an nhân dân diễn ra an toàn, thắng lợi và không gián đoạn. Song song với công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội, lực lượng công an nhân dân còn làm tốt nhiệm vụ đấu tranh, bóc gỡ hầu hết mạng lưới gián điệp cài lại, thu giữ nhiều vũ khí, điện đài. Điển hình là chuyên án đấu tranh với tổ chức gián điệp do tên Camille chỉ huy; chuyên án C30 do Trần Minh Châu (tức Cập) cầm đầu; chuyên án GM65 do tên Hoàng Văn Măng chỉ huy…Vì vậy tình hình an ninh trật tự được ổn định, mọi sinh hoạt của nhân dân được bảo đảm bình thường.

<Lực lượng công an nhân dân tiếp quản Quận II, thành phố Hà Nội, tháng 10/1954>

<Lực lượng Công an nhân dân bảo vệ các lực lượng vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954>
66 năm đã đi qua, mỗi khi nhìn lại thắng lợi vẻ vang ngày 10/10/1954, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân luôn cảm thấy tự hào, vinh dự và tự hứa với bản thân sẽ luôn kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu có được trên những chặng đường đã qua, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trên mặt trận giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vì một Hà Nội bình yên và phát triển, quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở nên giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước - Thành phố vì hòa bình.
<Bích Vân - Bảo tàng CAND>