Hoạt động nổi bật
Giờ mở cửa - Tham quan miễn phí
Từ 08h00 đến 16h30 từ thứ Ba đến thứ Bảy (hàng tuần)
Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Xem bản đồ
Đăng ký tham quan
Nhớ người chiến sĩ Công an Hà Nội quả cảm nơi tuyến đầu biên giới
        Cứ mỗi dịp khi tháng 2 về, bà Đào Thị Ân lại cùng con, cháu ra nghĩa trang liệt sĩ của xã thắp nén hương thơm lên phần mộ của Liệt sĩ Công an Trần Hồng Suốt. Chỉ vừa tròn 10 ngày sau tiếng súng của quân Trung Quốc xâm lược, Thượng úy CAND Trần Hồng Suốt đã anh dũng hy sinh sau khi cùng đồng đội chống trả quyết liệt quân thù tràn qua biên giới.

        Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc đã lùi xa 40 năm. Chừng ấy thời gian cũng là bấy nhiêu đêm ngày, bà Đào Thị Ân và các con, cháu khóc thầm nhớ người chồng, người cha anh dũng của mình - Liệt sĩ CAND Trần Hồng Suốt. Hình ảnh người anh hùng từ biệt vợ con, làng xóm cầm súng ra trận xả thân vì Tổ quốc đối mặt với quân bành trướng xâm lược còn lại mãi.

 

<Cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội tham quan Bảo tàng CAND, tìm hiểu tư liệu về lực lượng CAND tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Ảnh: Lam Thanh>

Chùm hoa bưởi trên ban thờ chồng

        Chiều tối, trong căn nhà nhỏ ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, bà Đào Thị Ân đang lúi húi nấu nướng bữa cơm tối chờ đón con, cháu đi làm về. Dù năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng thoạt nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của bà Đào Thị Ân chẳng ai nghĩ, người phụ nữ gầy gò ấy lại có một sức mạnh phi thường “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Có lẽ, hoàn cảnh khó khăn của thời chiến tranh, bao cấp và thiếu vắng người chồng, người cha trong nhà, đã hun đúc nên một người phụ nữ tưởng chừng chân yếu tay mềm ấy thành một người phụ nữ bản lĩnh, mạnh mẽ, quyết đoán. 

        Thắp nén hương thơm lên bàn thờ của Liệt sĩ Trần Hồng Suốt, bà Đào Thị Ân lặng đi. Những mất mát, hy sinh khiến cho đôi mắt của bà trong suốt 40 năm qua chẳng còn nước mắt để mà khóc nữa, chỉ đăm đắm vời vợi một niềm thương nhớ khôn nguôi. Bàn thờ ngày Tết vẫn còn nguyên mâm ngũ quả. Chỉ tay vào nải chuối đã chín vàng quá nửa cùng bưởi thơm trên ban thờ, bà Ân nói toàn là cây trái trong vườn. Đây cũng là những loại trái cây mà ngày còn sống, ông nhà rất thích ăn. 40 năm qua, cứ đến những ngày tháng 2 này, bà lại ra vườn ngắt mấy chùm hoa bưởi để lên ban thờ Liệt sĩ Trần Hồng Suốt. Ngày xưa, thời chiến tranh, bao cấp ấy, ông bà yêu nhau làm gì có hoa hồng, sô cô la như giới trẻ bây giờ, chỉ trao nhau vội vàng bông hoa bưởi giấu trong chiếc khăn, xốn xang cả tuần cái nắm tay ban đầu.

        Hoàn cảnh gia đình nhà chồng tôi khi đó rất khó khăn - bà Ân nhớ lại. Người mẹ già gần 80 tuổi mắt mờ chân chậm, lại thêm phần bệnh tật. Chưa hết, người anh của Liệt sĩ Trần Hồng Suốt khi đó nhập ngũ, lên đường vào miền Nam làm nhiệm vụ cả chục năm trời. Cách nhau cũng chỉ một hai tuổi, lại ở cùng làng, cùng xã, nên từ nhỏ cả hai ông bà sớm biết nhau. Bà Ân chẳng lạ gì cậu thanh niên Trần Hồng Suốt trầm tính, ít nói, gan dạ. Còn khi đó bà Ân nổi tiếng hay lam hay làm, chịu thương chịu khó. Tình yêu đến với hai ông bà thật tự nhiên, như mùi hương ngan ngát của hoa bưởi làng quê trong gió xuân. “Khi đó ngoài tình yêu, thì ông nhà tôi nói lấy tôi về để lo chăm sóc mẹ già, cũng như gia đình bởi ông ấy là công an, đi biền biệt, vài tháng mới về nhà một lần ấy”- bà Ân nhớ lại.

        Trong những năm 1978, dọc tuyến biên giới phía Bắc nước ta tình hình ngày càng căng thẳng. Quân lính Trung Quốc liên tục có những hành động chống phá, giết hại đồng bào ở dọc vùng biên. Tháng 8 năm 1978, khi đó mới 31 tuổi và đang làm Phó đồn Công an số 18, CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội (nay là Phó trưởng CAP Phan Chu Trinh, CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội), Thượng úy Trần Hồng Suốt xung phong cùng với đồng đội lên tuyến biên giới Lạng Sơn tăng cường cho Ty Công an Lạng Sơn tại đây để bảo vệ biên giới phía Bắc, chống quân Trung Quốc bành trướng, xâm lược. Ngày Thượng úy Trần Hồng Suốt khoác ba lô lên vùng biên viễn, ông đèo bà trên chiếc xe đạp ngồi phía sau, lặng lẽ đạp lên điểm tập kết ở vườn hoa Gia Lâm. Vốn trầm tĩnh, ít nói, trong suốt cả quãng đường đi, ông chỉ nói với bà mỗi câu: “Anh lên biên giới chống giặc ngoại xâm, em ở nhà chăm lo mẹ già, con thơ, chờ anh về đoàn viên”.


Cứ những ngày tháng 2 hàng năm, bà Đào Thị Ân và gia đình lại nghe bài hát “Lời tạm biệt trước lúc lên đường” như để nhắc nhở con, cháu về một thời oanh liệt của chồng, cha, ông

Cái Tết cuối cùng bên gia đình của người anh hùng quả cảm

        Trong suốt những ngày tháng ở Lạng Sơn, do tình hình ngày càng căng thẳng, dường như hai ông bà bặt tin nhau. Cả năm trời sau đó, bà mới nhận được thư của ông gửi về. Trong thư cũng chỉ vài dòng thăm hỏi tình hình sức khỏe của mẹ, vợ, con và dặn dò gia đình giữ gìn sức khỏe, học tập, công tác tốt chứ tuyệt nhiên chẳng nhắc nhiều đến tình hình chiến sự. Có lẽ ông sợ bà và gia đình lo lắng nên nói tránh sang những chuyện khác. Đến những ngày áp Tết năm đó, Thượng úy Trần Hồng Suốt được cấp trên cho nghỉ phép mấy ngày, tranh thủ về quê ăn Tết cùng gia đình. Ở nhà được vài hôm, ngày mùng 6 Tết, ông Trần Hồng Suốt lại vội vàng khoác ba lô ngược lên biên giới. Ông đi vội vã, cấp tập, chỉ kịp dặn dò vợ vài câu “diệt giặc thù, xong chiến trận anh sẽ về”, rồi nhanh chóng cầm khẩu AK nhảy lên tàu tiến về hướng Lạng Sơn. 

        Chẳng ai có thể ngờ rằng, đó lại là lần cuối cùng ông bà được ở bên nhau. Sáng sớm 17-2-1979, khi sương rừng vẫn phủ kín các cánh rừng vùng biên viễn, quân xâm lược Trung Quốc với biển người, phương tiện vũ khí ồ ạt tràn sang biên giới tấn công bất ngờ nước ta. Chúng bắn phá, giết hại đồng bào, chiến sĩ của ta. Ở dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo đánh địch, ngăn không cho chúng tràn sâu vào nước ta. Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang,... là những mặt trận ác liệt nhất. Quân và dân ta quần thảo với  địch để giữ từng mét vuông đất, giành nhau từng quả đồi, căn hầm, chiến hào công sự với địch. 

        Cùng với các đồng đội, Thượng úy Trần Hồng Suốt chắc tay súng đánh trả địch quyết liệt. Chiến trận mỗi lúc một thêm ác liệt. Với quân số đông, hỏa lực mạnh, quân  Trung Quốc dần chiếm ưu thế và đẩy lùi quân và dân ta vào sâu hơn. Tuy vậy, với lối đánh du kích, lấy ít đánh nhiều, xuất quỷ nhập thần và tinh thần chiến đấu gan dạ, anh dũng, không quản ngại hy sinh, gian khổ, quân và dân ta trong đó có lực lượng Công an vũ trang đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, tiêu diệt và bắt sống rất nhiều quân địch ở các trận tuyến.


<Vài tháng sau khi Liệt sĩ Trần Hồng Suốt hy sinh, bà Ân mới nhận được giấy báo tử của chồng>

Bất tử bên pháo đài Đồng Đăng

        Ngày 27-2-1979, sau đúng 10 ngày kể từ khi tiếng súng của quân xâm lược rền vang trên bầu trời biên giới, chúng bao vây khu vực tỉnh lỵ và các huyện lỵ ở Lạng Sơn. Do lực lượng chênh lệch quá lớn, sau khi tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch, Thượng úy Trần Hồng Suốt và các đồng đội đành phải rút vào pháo đài Đồng Đăng để cố thủ, cản đường tiến quân của giặc. Quân địch tràn xuống bắn đạn như vãi trấu, bao vây pháo đài Đồng Đăng. Chúng bắc loa ra rả gọi hàng các chiến sĩ Công an vũ trang và dân quân du kích... của ta đang cố thủ trong pháo đài. Đáp lại tiếng loa gọi hàng là những loạt đạn AK  giòn giã vang lên. Nhiều tên địch bị trúng đạn đổ gục xuống như cây chuối. Biết không thể khuất phục được ý chí kiên cường, anh dũng của quân và dân ta, quân địch tập kết một số lượng lớn bom, mìn, thuốc nổ rồi chúng cho đánh sập cả pháo đài Đồng Đăng, chôn sống toàn bộ những người lính yêu nước trong đó có Thượng úy Trần Hồng Suốt đang anh dũng bắn trả quyết liệt. Một tháng sau đó, khi tiếng súng đã tạm ngưng, những người đồng đội của anh trong Ty Công an tỉnh Lạng Sơn và nhân dân mới đưa được thi thể anh và đồng đội đang bị hàng tấn gạch, đá vùi lấp trong pháo đài ra ngoài. 

        Đau đớn tột cùng khi nhận giấy báo tử của chồng, nhìn người mẹ già ngoài 80 tuổi và 3 đứa con thơ, bà Ân cố nuốt những giọt nước mắt đau thương, gắng gượng đứng dậy chăm lo mẹ già, con thơ như lời dặn dò của người chồng trước giờ lên đường vào trận tuyến chiến đấu. Sau 3 năm chồng hy sinh, bà cùng đứa con trai thứ 2 khi đó mới 7 tuổi và đồng đội của ông lên Lạng Sơn đưa thi thể liệt sĩ trở về quê nhà. Ngôi mộ của ông khi đó nằm trên một quả đồi vẫn còn nham nhở những hố bom, đạn cày xéo..., dấu tích của những tháng ngày quân và dân ta chiến đấu kiên cường, anh dũng đánh quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. 

        Trong suốt 40 năm qua vắng bóng người chồng, người cha bên cạnh, bà Ân đã thay chồng chăm lo mẹ già, các con, cháu. Tranh thủ những khoảng thời gian ít ỏi của công việc Bí thư Đoàn Thanh niên, HĐND, rồi Bí thư Đảng ủy xã Đa Tốn, bà Ân tăng gia sản xuất, nuôi thêm lợn, gà, trồng rau muống sớm tối mang ra chợ bán để nuôi con ăn học. Noi theo gương cha, năm 17 tuổi, anh Trần Tiến Dũng xung phong đi Công an nghĩa vụ, rồi nối nghiệp cha viết tiếp những mơ ước dự định còn đang dang dở. Hiện anh Dũng đang là Phó trưởng CAP Gia Thụy, quận Long Biên.

        Khi Liệt sĩ Trần Hồng Suốt cầm súng, khoác ba lô lên đường đánh giặc, anh Trần Tiến Dũng mới có 4 tuổi rưỡi, còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được những gì đang diễn ra. Ngay cả khuôn mặt, hình ảnh của người cha thân yêu anh cũng chỉ lờ mờ hình dung qua lời kể của mẹ. Thậm chí, gia đình anh cũng chẳng có nổi một tấm ảnh của Liệt sĩ Trần Hồng Suốt chụp chung với vợ, con, gia đình. Khi ấy, may mắn có người bạn có chụp chung với chồng tấm ảnh  ngày còn đi học. Bà Ân đem đi nhờ vẽ truyền thần, làm ảnh thờ chồng mình trong suốt mấy chục năm qua. Chỉ có một kỷ niệm mà anh Dũng còn nhớ mãi, đó chính là cái Tết cuối cùng Liệt sĩ Trần Hồng Suốt tranh thủ về quê ăn Tết năm 1979, công kênh anh và em gái lên vai đi khắp xóm làng chúc Tết. 

        Cuộc đời anh dũng của liệt sĩ CAND Trần Hồng Suốt và biết bao thế hệ cha anh  ngày ấy chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, đẹp thay! Anh linh người chiến sĩ anh hùng Công an Hà Nội Trần Hồng Suốt chắc rằng cũng toại lòng khi biết đời sau vẫn nhắc nhớ tên anh.


<Theo anninhthudo.vn>