Hoạt động nổi bật
Giờ mở cửa - Tham quan miễn phí
Từ 08h00 đến 16h30 từ thứ Ba đến thứ Bảy (hàng tuần)
Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Xem bản đồ
Đăng ký tham quan
Sưu tập hiện vật Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
          Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (23/1/1916 - 23/1/1986), Ngày 30/7/2015, Bộ Chính trị đã quyết định công nhận đồng chí Trần Quốc Hoàn là cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước; được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Viện Lịch sử Công an đã sưu tầm, và đưa ra giới thiệu sưu tập gần 300 hình ảnh, hiện vật hết sức quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Quốc Hoàn. Đồng thời với việc lựa chọn và đưa ra giới thiệu những tư liệu hình ảnh quý giá đó thông qua việc xuất bản cuốn sách ảnh và tổ chức cuộc triển lãm “Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Cuộc đời và sự nghiệp”, di tích lưu niệm tại số 1 phố Trần Bình Trọng - Hà Nội giúp chúng ta một lần nữa có dịp tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh những cống hiến của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập, tấm gương người cộng sản mẫu mực trong đội ngũ cán bộ làm công tác công an và các tầng lớp nhân dân.
 
Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại phòng làm việc
số 1, phố Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 
          Nội dung sưu tập hiện vật, tư liệu, hình ảnh gồm 2 phần:
          Phần I: Đồng chí Trần Quốc Hoàn với quê hương, gia đình và bạn bè.
          Phần II: Quá trình tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Quốc Hoàn
 
          Được sinh ra trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Trần Quốc Hoàn là người con ưu tú của dân tộc, một trong những học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, người đặt nền móng xây dựng và phát triển hệ thống lý luận Công an nhân dân Việt Nam.

 
Trần Quốc Hoàn (người ngồi bên phải) cùng cha và ba em trai chụp ảnh lưu niệm
tại thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh năm 1928
 
          Trong công tác, ông đã gặp và yêu một thiếu nữ Hà Nội xinh đẹp, kiều diễm. Cô ấy chính là nữ điệp báo được ông và Nha Công an Trung ương cử thâm nhập vào điều tra tổ chức phản động nhằm bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày cưới của ông bà cũng là thời điểm cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sau ngày cưới, bà cùng ông rút khỏi Hà Nội để tham gia chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 
Đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng phu nhân Lê Song Toàn và ba con
Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Minh Lợi, Nguyễn Trọng Vinh Quang chụp ảnh lưu niệm
tại số 1, phố Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhân dịp Quốc khánh 02/9/1955
 
          Tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 18 tuổi. Cũng vì vậy đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam cầm khi còn rất trẻ. Ngay từ ngày đó ông đã bộc lộ bản lĩnh kiên cường, bất khuất của một nhà cách mạng tầm cỡ.

          Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Trần Quốc Hoàn làm nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở thủ đô Hà Nội và Liên khu I, sau đó đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Liên khu uỷ II, Bí thư Liên khu uỷ X,  Bí thư Đặc khu uỷ Hà Nội trên bất cứ cương vị công tác nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 
Ảnh đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Đặc Khu ủy Hà Nội
(hàng đứng, ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt,
Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí lãnh đạo tại Việt Bắc năm 1949
 
          Năm 1941, bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, kết án 6 năm tù, 20 năm quản thúc và bị đày ở Nhà tù Sơn La, thời gian này đồng chí là Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ Nhà tù.

          Năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo tù chính trị đấu tranh đòi tự do và tổ chức đưa 200 cán bộ cách mạng vượt ngục về xuôi an toàn được phân công là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ 1949 - 1951, Bí thư Khu uỷ Đặc khu Hà Nội.

          Tháng 9 năm 1952, đồng chí được cử làm Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Tháng 2 năm 1953, Thứ trưởng Thứ Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Công an (tháng 8/1953). Năm 1954, Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

          Ngay từ khi được Đảng điều sang phụ trách ngành Công an, đồng chí đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng Công an nhân dân về mọi mặt, đặc biệt là người có công đầu trong việc xây dựng và phát triển khoa học công an và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

          Là học trò của Bác Hồ, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, động viên đồng bào, cán bộ chiến sỹ cả nước trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, góp phần xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thống nhất, nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cách mạng và sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

 
Đồng chí Trần Quốc Hoàn, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Thứ trưởng Bộ Công an
và lãnh đạo các đơn vị của Công an và Quân đội lên đường vào Sài Gòn chỉ đạo
công tác tiếp quản, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ngày 27/4/1975
 
          Trong gần 28 năm với cương vị lãnh đạo cao nhất của Ngành Công an đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng với Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối, chính sách và tổ chức, nguyên tắc, phương châm, hình thức, biện pháp, đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, ý đồ hoạt động của bọn phản cách mạng và các loại tội phạm khác.

          Ngay sau khi được Đảng cử sang phụ trách Ngành Công an đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo tổng kết công tác Công an từ khi thành lập, rút ra 7 kết luận quan trọng của công tác Công an (Đó là công tác bảo vệ cơ quan, công tác điều tra nghiên cứu, công tác bắt và xét xử, công tác hỏi cung, công tác quản chế, công tác kiểm soát sự ra vào vùng tạm chiếm và Công an xã).

           Đồng chí Bộ trưởng cũng trực tiếp chỉ đạo lực lượng công an nhân dân triển khai và đẩy mạnh các mặt công tác an ninh: khám phá vụ gián điệp Âu trạch Niên năm 1969, đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO năm 1976, vấn đề bảo vệ An ninh biên giới… Đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng xác định phong trào quần chúng là nhiệm vụ chiến lược số 1 của Ngành Công an

          Nhớ về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chúng ta lại càng thêm tự hào vì những cống hiến lớn lao và những di sản quý báu trong công tác chỉ đạo nghiệp vụ, xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ, lý luận công tác Công an, các quan điểm, phương châm, nguyên tắc, đường lối, phương pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Với tầm nhìn xa, trông rộng vừa chiến lược, vừa thực tiễn, Bộ trưởng đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiệp vụ hết sức tài tình phục vụ hiệu quả sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

          Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là tấm gương mẫu mực về tinh thần tận tuỵ với công việc, luôn đi sát cơ sở, lối sống giản dị, luôn gần gũi cán bộ dưới quyền, tình thương yêu và sự quan tâm sâu sắc đối với đồng chí.

          Đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn luôn quan tâm dày công xây dựng Công an nhân dân lớn mạnh. Đồng chí đã tổng kết, có nhiều sách, bài viết về công tác xây dựng lực lượng… đề cập toàn diện các nội dung cơ bản của công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, thể hiện bước phát triển mới cả về lý luận và thực tiễn
Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người đóng góp nổi trội, đặt nền móng cho công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận của Công an nhân dân Việt Nam; là người sáng lập ra cơ quan khoa học đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân.

           Đây thực sự là những tác phẩm, công trình lý luận đặt nền móng cho khoa học nghiệp vụ Công an, làm cơ sở tiền đề cho sự ra đời 3 công trình khoa học lớn đầu tiên trong lịch sử xây dựng và phát triển lý luận Công an nhân dân đó là: Tổng kết công tác đấu tranh chống phản cách mạng (1930-1964), năm 1969; Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam (1945 – 1964), năm 1969; Từ điển nghiệp vụ phổ thông, năm 1977…

          Là người có tầm nhìn chiến lược, với sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, lực lượng Công an nhân dân đã tranh thủ được sự giúp đỡ về kỹ thuật của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trên các lĩnh vực như: kỹ thuật hình sự, Phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc…. Bộ trưởng đã xây dựng các cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật như đài phát thanh, phát tín, Viện Khoa học hình sự, Trung tâm máy tính điện tử … Lực lượng Công an nhân dân đã có những bước tiến về cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật và nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng tiến Bộ khoa học phục vụ công tác chiến đấu. Nhờ đó, chúng ta đã thu thập được nhứng thông tin phản gián kịp thời, chính xác phục vụ công tác an ninh. Đặc biệt thông qua hệ thống điện đài phản gián cùng với sự chỉ đạo về đối sách nghiệp vụ tài tình của Bộ trưởng chúng ta đã tương kế tựu kế, câu nhử bắt gọn các toán gián điệp biệt kích Mỹ - ngụy và các đợt oanh kích phá hoại miền Bắc.

          Đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng mạng lưới thông tin (điện đài, luật mật mã, cán bộ cơ yếu, báo vụ) đến năm 1965 đã thông suốt 2 chiều để An ninh miền Nam chiến đấu thắng lợi.

 
Đồng chí Trần Quốc Hoàn thăm và kiểm tra Công trình Phương Đông II
do Liên Xô giúp đỡ tại Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), ngày 21/12/1974
 
          Trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, với cương vị là Bí thư Dảng Đoàn, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tổ chức chỉ đạo chi viện An ninh miền Nam một cách hiệu quả, có tầm chiến lược, đáp ứng yêu cầu ngày một tăng của chiến trường miền Nam.

          Hơn 40 năm sau ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhìn lại công tác chi viện An ninh miền Nam càng thấy rõ tầm nhìn chiến lược, tính chủ động, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, của tập thể lãnh đạo Bộ Công an trong đó có đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Quốc Hoàn.

          Tiếp nhận sự chi viện, An ninh miền Nam không ngừng lớn mạnh mọi mặt, đủ sức đương đầu và đánh bại âm mưu hoạt động của các cơ quan tình báo, gián điệp, bình định của Mỹ - ngụy, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

          Ngay sau ngày giải phóng 30/4, đồng chí đã vào miền Nam để trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản, triển khai nhiều công tác lớn, cấp bách  nhằm ổn định và giữ vững An ninh chính trị sau giải phóng. Đồng chí đã trực tiếp chủ trì cuộc họp chỉ đạo công tác bảo vệ cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất và đối với các lĩnh vực công tác của lực lượng Công an sau ngày đất nước thống nhất.

          Đồng chí Bộ trưởng có công lao và cống hiến to lớn trong quá trình thiết lập và phát triển đối ngoại và hợp tác của Công an nhân dân Việt Nam với bạn bè Quốc tế, nhằm trao đổi, phối hợp có hiệu quả trên một số lĩnh vực công tác an ninh trật tự, kỹ thuật nghiệp vụ, phòng cháy chữa cháy… Đã kết hợp sức mạng dân tộc với sức mạnh thời đại trên lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Đây là tiền đề cơ sở cho những bước phát triển và mở rộng mối quan hệ hợp tác Quốc tế của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam sau này.

          Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trần Quốc Hoàn có hơn 30 năm là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1951-1980), hơn 20 năm Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương (1960-1982), là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII; 28 năm phụ trách ngành Công an, trong đó có nhiều năm giữ cương vị Bộ trưởng.

           Năm 1982, tại ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Trưởng ban Dân vận Trung ương cho đến khi qua đời 05/6/1986.

          Với công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 30/7/2015, Bộ Chính trị đã quyết định công nhận đồng chí Trần Quốc Hoàn là cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, Nhà nước./.

Xem thêm về bộ sưu tập tại đây.

 
<Bảo tàng Công an nhân dân>