Hoạt động nổi bật
Giờ mở cửa - Tham quan miễn phí
Từ 08h00 đến 16h30 từ thứ Ba đến thứ Bảy (hàng tuần)
Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Xem bản đồ
Đăng ký tham quan
Sưu tập những lá thư thời chiến của cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân
       Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, Đảng chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, cả nước nói chung và hậu phương miền Bắc nói riêng, chi viện cho miền Nam "tất cả vì miền Nam ruột thịt". Lực lượng Công an nhân dân đã đào tạo và chi viện hàng vạn chiến sỹ cho lực lượng an ninh miền Nam cùng với phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, đủ sức đương đầu và đánh bại các cơ quan tình báo, gián điệp, bình định của Mỹ - Ngụy, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

       Những người chiến sĩ Công an với trái tim nhiệt huyết, tạm biệt người thân ra đi không hẹn ngày về, chỉ về khi nước nhà độc lập “phải hy sinh tình cảm riêng tư để giành lại một mùa xuân vĩnh viễn cho cả dân tộc…” - Thư của Liệt sỹ Lê Văn Tư, gửi gia đình ngày 31/01/1969. “Tạm biệt bà con xóm làng thân quen và những đứa con thơ dại để làm nhiệm vụ vinh quang, vĩ đại nhưng đầy khó khăn, gian khổ”- Thư của Liệt sỹ Nguyễn Ngọc Sơn, gửi gia đình năm 1965. “Vì nhiệm vụ thiêng liêng của đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc, vì miền Nam ruột thịt chúng ta, gia đình ta phải gác tình riêng” - Thư của Liệt sỹ Nguyễn Văn Xứng, gửi gia đình ngày 03/11/1967.

       Giữa mưa bom bão đạn chỉ có những lá thư là sợi dây tình cảm gắn kết hậu phương và tiền tuyến. Mỗi bức thư chứa đựng những tâm tư tình cảm nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thân “Xa nhau càng thấy thương và nhớ nhau em nhỉ? Anh nhớ mẹ, nhớ các con, các bác và cháu lắm...” - Thư của đồng chí Phan Văn Lai, gửi vợ, ngày 20/06/1966. Bao năm biền biệt xa quê hương, gia đình những dòng thư khắc khoải nhớ thương“Các con chắc chúng lớn lắm rồi nhỉ, có dịp về gặp ngoài đường có lẽ chẳng nhận ra đâu, nhất là Thắng lúc anh đi nhỏ quá...” - Thư của đồng chí Phan Văn Lai, gửi gia đình, năm 1972. “Trong những lúc công tác bận rộn thì chỉ lo suy nghĩ, bóp trán để đối phó với kẻ địch, nhưng cũng có những lúc rảnh rang, những lúc ấy sao mà nhớ nhà thế, nhớ em, nhớ các con và họ hàng cô bác đến thế. Giá như có cánh thì anh bay về thăm một lúc”. Nỗi nhớ như được cháy lên mỗi dịp tết đến xuân về “Năm hết tết đến ai chẳng nhớ quê hương bản quán. Nhớ tới người thân thương lúc đang xa cách.”- Thư của Liệt sỹ Lê Văn Tư, gửi vợ ngày 31/01/1969.

       Sưu tập lá thư thời chiến là những nét vẽ chân thực về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. “Hồi cuối năm 1969 có những cô du kích từ đồng bằng lên miền núi người chỉ còn một bộ quần áo rách tả tơi, tuổi ít nhưng tóc đã bạc, mắt mờ đi trên cơ thể đầy mụn nhọt, trông các cô các chị ấy chỉ muốn rơi nước mắt và hết sức khâm phục họ. Họ phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: “Sống trong đất, sống trong nước, không được gặp dân, bốn bề vây quét, phải tránh giặc, lượm thức ăn của giặc để đánh giặc” - Thư đồng chí Lê Trung Hào, gửi gia đình, ngày 15/3/1973. “Hiện tại đơn vị cháu đang huấn luyện theo tình hình, nhiệm vụ mới, ngoài ra còn tăng gia sản xuất, chăn nuôi nữa, để đảm bảo rau xanh, ăn uống đầy đủ chất và bớt gánh nặng cho đồng bào miền Bắc cậu ạ!” - Thư của đồng chí Vũ Hữu Mão, gửi cậu ngày 06/8/1974. Hình ảnh cả dân tộc đoàn kết một lòng làm nên chiến thắng vĩ đại khiến cả thế giới phải nghiêng mình nể phục. “Không riêng gì lực lượng vũ trang mới đánh Mỹ mà nhân dân từ ông bà già, trẻ em, phụ nữ đều tham gia rất dũng cảm. Giữa lúc máy bay đang oanh tạc thì có những cụ già băng mình dưới làn bom đạn mang lá đến cho đơn vị em làm ngụy trang. Các cháu học sinh thiếu nhi mang đến cho các chú bộ đội lá ngụy trang mà trong đó có cả cành cam, cành mít…Các cháu xin ở lại làm nhiệm vụ tiếp đạn, lắp đạn cho bọn em. Các chị phụ nữ lội qua đồng lúa mang nước đến cho bọn em uống đủ lại còn thừa đổ vào nòng súng. Có cô mậu dịch viên đi mang hàng hóa phục vụ bộ đội gặp lúc vào trận chiến đấu, cô không hề chạy mà tiếp đạn cho bọn em. Không may cô bị thương nhưng nhất định không chịu rời trận địa…” - Thư của liệt sỹ Hoàng Ngọc Bản, gửi anh trai ngày 26/3/1965.

       Những người chiến sỹ chiến đấu kiên cường, bất khuất trải qua biết bao gian khổ, hy sinh nhưng vẫn giữ niềm tin, hy vọng chiến thắng ở tương lai. “Tất cả các chuyện cần nói chúng ta sẽ hẹn ngày nào khi Tổ quốc hồng sáng khắp Bắc - Nam” - Thư của đồng chí Phương Hãn, gửi về cho gia đình, năm 1965. “Ngày gần đây nước nhà được thống nhất Bắc - Nam sum họp, thầy sẽ về thăm gia đình và các con, thầy sẽ mua cho con món quà quý nhất.”- Thư của liệt sỹ Phan Văn Viêm, gửi về cho gia đình, ngày 20/8/1969. “Còn cha mẹ hỏi ngày về của con mong cha mẹ bớt trông. Ngày về của con phải là ngày đất nước được thanh bình, mọi gia đình được đoàn tụ ...” - Thư đồng chí Châu Văn Đẹp (Châu Văn Mẫn) gửi về cho gia đình từ nhà tù Côn Sơn (Côn Đảo), ngày 01/5/1972.
 





<Một số bức thư của cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam>

       Sau đại thắng mùa xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhưng có biết bao chiến sỹ Công an hẹn mà không về các anh đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do. Sưu tập những lá thư thời chiến đã trở thành kỷ vật vô giá về một thời hoa lửa, góp phần khẳng định truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 


<Nam Phong - Bảo tàng CAND>
bài viết khác