Hoạt động nổi bật
Giờ mở cửa - Tham quan miễn phí
Từ 08h00 đến 16h30 từ thứ Ba đến thứ Bảy (hàng tuần)
Số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Xem bản đồ
Đăng ký tham quan
Trao tặng kỷ vật của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung
       Sáng ngày 19/12/2017 tại Bảo tàng Công an nhân dân đã diễn ra buổi tiếp nhận Kỷ vật của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung do gia đình liệt sĩ trao tặng.

       Thay mặt gia đình, người em trai Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung là Tiến sỹ, Kiến trúc sư Huỳnh Kim Thành đã từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội trao tặng kỷ vật quý giá mà gia đình đã trân trọng lưu giữ trong suốt 45 năm qua cho Bảo tàng Công an nhân dân.
 
Gia đình em trai liệt sĩ trao tặng Kỷ vật cho Bảo tàng Công an nhân dân
<ảnh Trần Ngọc>

Huỳnh Kim Trung sinh ngày 16/3/1952 tại Dương Minh Châu, Thủ Dầu Một; Trú quán tại 1A Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội. Hy sinh tại bến phà Sông Gianh ngày 20/8/1972.
 

Tốt nghiệp chương trình phổ thông hè 1970, hầu hết các bạn nhập ngũ, hoặc vào học các trường kỹ thuật quân sự hoặc quân y, riêng Huỳnh Kim Trung có tiêu chuẩn đi học nước ngoài, nhưng anh xin ba mẹ cho ở lại trong nước học tập và thi vào Trường Trung cấp Công an, lúc đó đóng tại Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội).
 

Năm 1972, tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc. Ở miền Bắc, sau khi thực hiện “tạm ngưng bắn phá có hạn chế”, để quốc Mỹ lại tập trung đánh phá từ vĩ tuyến 17 trở ra. Ngày 18/3/1972, Huỳnh Kim Trung viết đơn tình nguyện cùng các học viên vào thực tập và chiến đấu tại Quảng Bình, vùng đất được gọi là tọa độ lửa, ngày đêm hứng bom đạn Mỹ. Tại phà sông Gianh, anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông, điều động, hướng dẫn những chuyến phà chở bộ đội, vũ khí vào Nam. Ngày 20/8/1972, trong lúc làm nhiệm vụ anh bị thương nặng và hy sinh, lúc đó anh vừa mới 20 tuổi. Với những thành tích xuất sắc và sự hy sinh anh dũng, đồng chí Huỳnh Kim Trung đã được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Ngày 31/12/1973, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 110/LCT truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Huỳnh Kim Trung.
 

Kỷ vật gia đình Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung. Đây là tập nhật ký bản gốc do đồng chí Huỳnh Kim Trung viết tay trong những ngày tình nguyện tham gia chiến đấu tại chiến trường Khu IV.

 

Chân dung Anh hùng, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung và trang thơ trong cuốn nhật ký
với bài thơ được liệt sĩ chép tay và vẽ minh họa
<ảnh Trần Quý>


       Những dòng nhật ký cuối cùng ngày 06-8-1972, đúng hai tuần
trước ngày hy sinh 20/8/1972
<ảnh Trần Quý>

 

 Và thật xúc động, tại buổi lễ đồng chí Giám đốc và các cán bộ Bảo tàng Công an nhân dân đã đưa đến gia đình một điều bất ngờ: đã từ lâu Bảo tàng vẫn trân trọng gìn giữ lá Đơn tình nguyện ra chiến trường chiến đấu của người anh trai Huỳnh Kim Trung. Có lẽ đã luôn luôn có một sợi dây nối dài quá khứ với hiện tại để đưa đến tương lai những điều đẹp nhất.



Đơn tình nguyện lên đường vào Khu IV làm nhiệm vụ viết ngày 18/3/1972
của học viên Huỳnh Kim Trung
<ảnh Trần Quý>

 

Ngay tại buổi lễ trao tặng, ông Huỳnh Kim Thành, em trai liệt sĩ chia sẻ: “Gia đình thực sự xúc động vì sau 45 năm, lần đầu tiên được biết có lá Đơn tình nguyện và được thấy lại nét chữ anh viết ngày 18/3/1972 - kỷ vật vô giá của anh tôi lúc đang là sinh viên lớp đào tạo K10 trường Cảnh sát nhân dân mà Bảo tàng Công an còn lưu giữ rất cẩn thận. Trước đó Ba tôi Kiến trúc sư Huỳnh Kim Trương và gia đình quyết định trao tặng kỷ vật quý giá là cuốn Nhật ký của anh cho Bảo tàng vì chúng tôi đã tin tưởng đây sẽ là nơi gìn giữ bảo quản, khai thác tốt nhất những giá trị của hiện vật; tạo điều kiện để nhiều người tiếp cận hơn và có tác dụng tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng về một thời kỳ lịch sử hào hùng, về những người con ưu tú đã sẵn sàng xả thân không quản ngại hy sinh gian khổ trong những giai đoạn lịch sử quyết định của đất nước. Chúng tôi đã tìm đúng địa chỉ!".

 

Ban Giám đốc và cán bộ Bảo tàng Công an nhân dân tại buổi làm việc gia đình Liệt sĩ
<ảnh Trần Ngọc>

 

       Cùng với rất nhiều hiện vật là những kỷ vật như những trang nhật ký chiến trường, những lá thư thời chiến… của các Anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ Công an và thân nhân của các anh được sưu tầm và lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân đã và đang làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của của lực lượng Công an nhân dân và của dân tộc. Qua đó, thế hệ trẻ hôm nay và những người yêu lịch sử thêm yêu mến, trân trọng và cảm phục lớp thế hệ thanh niên Việt Nam đã sống, chiến đấu và cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu của mình trong những giai đoạn lịch sử cam go của đất nước; tri ân sự đóng góp và hy sinh thầm lặng của thân nhân, gia đình các chị, các anh, những người Anh hùng của dân tộc./.

 
 <Trần Quý - Bảo tàng CAND>

 
bài viết khác